Đời sống

Chuyện về những người phụ nữ ở làng đá Non Nước

Nhật Huy- Võ Thắm 05/01/20 06:01

Dẫu nghề làm đá hàng ngày phải hít một lượng khói bụi lớn, phải nghe tiếng máy cắt buốt óc đau tai, chịu trăm bề vất vả nhưng những người phụ nữ tại làng đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) vẫn chưa bao giờ có ý định bỏ nghề…

Gửi đời mình cho đá vì gia đình

Khi đi đến Cổng số 2 Trương Gia Mô (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng), chúng tôi bất ngờ với tiếng máy cưa, máy chẻ ồn đến chát tai, tiếng đục đá đến buốt óc vang vọng cả một góc trời. Bụi trắng cả một con đường, bụi đến nỗi trên quần áo chúng tôi bám cả một lớp dày đặc. Thế nhưng, những người làm đá vẫn cứ miệt mài làm việc, mặc cho bụi đá xộc vào mặt, mặc cho tiếng ồn vẫn đang dội đến liên hồi.

Theo quan sát trên dọc tuyến đường, chúng tôi nhận thấy đa số những người đục đá, làm đá đều là đàn ông lực lưỡng. Họ cầm máy cưa, máy chẻ làm việc thoăn thoắt, tỉ mỉ cắt đá, tận tụy mài giũa từng bức tượng.

Trong số đông cánh đàn ông lực lưỡng ấy, thật sự bất ngờ có không ít phụ nữ cũng tham gia các công đoạn để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Trong tình trạng “kín như bưng” chỉ có đôi mắt lộ ra ngoài, chị Tín (trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) nhìn “vị khách lạ” cũng ngạc nhiên như cái kiểu chúng tôi ngạc nhiên về chị.

da-1.jpg
Chị Tín cũng như những người phụ nữ khác hàng ngày phải hít một lượng khói bụi rất lớn, tiếng ồn của máy đục, máy cắt nhưng chị chưa có ý định bỏ nghề. (Ảnh: Nhật Huy)

Qua trò chuyện, được biết chị Tín là một trong những phụ nữ có thâm niên gắn mình với đá. Một ngày làm việc của chị thường bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Công việc chị Tín đảm nhận là công đoạn đánh bóng để giúp những bức tượng thêm sáng hơn.

Khi được hỏi khó khăn của nghề, chị chia sẻ: “Khi mới vào việc, chị gặp nhiều khó khăn như chưa quen với môi trường làm việc, cách sử dụng công cụ,… thế nhưng chỉ khoảng 2 tuần sau, chị đã có thể làm việc một cách thành thạo”. Từ tâm sự của chị Tín, chúng tôi hiểu rằng, những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” muốn theo được công việc này phải cố gắng gấp hai, gấp ba lần người khác.

Chị Tín chia sẻ thêm, công việc này ngày nào cũng phải tiếp xúc với bụi đá, dễ mắc các bệnh về lao, phổi, nhưng bù lại thu nhập cao hơn, có thể lo cho con mình đầy đủ hơn. Sự tần tảo, đức hy sinh và suy nghĩ “lo cho gia đình” đã kéo chị đến nghề này, dẫu nó có nặng nhọc, dù nó có vất vả, nhưng nhìn đàn con thơ đủ đầy chị vẫn chấp nhận oằn mình với đá.

Nhìn chị Tín với những giọt mồ hôi còn vương trên trán, những vết xước trên tay vẫn chưa kịp lành, nhưng khi nhắc về những đứa con, đôi mắt chị vẫn ánh lên ánh sáng của hy vọng, chúng tôi càng khâm phục sự chịu thương chịu khó của chị cũng như những người phụ nữ đang gắn đời mình với nghề ở làng đá Non Nước.

Vô tình gặp nghề rồi… yêu

Khi được chúng tôi hỏi chuyện về những người phụ nữ điêu khắc đá, người dân nơi đây đã nhiệt tình hướng dẫn đường chúng tôi đến cơ sở điêu khắc đá Lê Thắng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) với lời giới thiệu khá ấn tượng: “Nơi đó có chị Bình, chị làm đá giỏi lắm. Chị cầm máy làm thành thạo, sản phẩm cũng rất đẹp nữa.”

da-2.jpg
Chị Lê Thị Hòa Bình vui vẻ khi trò chuyện về nghề của mình. (Ảnh: Nhật Huy)

Khi đến nơi, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh chị Lê Thị Hòa Bình (SN 1976) đang gồng người tạc đá trong lớp bụi mù mịt. Đôi tay chị làm thoăn thoắt, bao nhiêu cảm xúc dường như đang thả hết vào đá. Khi hỏi cơ duyên đến với nghề, chị cười rồi chia sẻ: “Thấy chồng làm rồi chị theo. Đây chắc là cái duyên, cái duyên của chị với nghề.”

Gồng mình điêu khắc, hằng ngày làm việc trong lớp bụi dày đặc, chị cũng như những người khác, rất dễ mắc các bệnh về lưng, phổi… thế nhưng, chị vẫn không từ bỏ. Dẫu biết là phụ nữ thì nên làm những nghề nhẹ nhàng, phù hợp với sức mình, nhưng chị chia sẻ bản thân đã làm nghề này và yêu luôn nó từ lúc nào không hay.

Mặc dù lúc đầu gặp nhiều khó khăn, bị máy hay đục chạm vào tay, nhưng sau mỗi lần như vậy, chị lại càng học hỏi thêm nhiều điều hơn. Khi được nghe nói về việc người dân nơi đây trầm trồ về tài nghệ của mình, chị Bình cười khiêm tốn: “Nghe mọi người nói thế chị cũng vui lắm, nhưng chị thấy chị cũng thường thôi ấy mà”.

Những vết xước trên tay chị chứng minh cho quá trình khổ luyện. Từ những tảng đá vô tri, qua bàn tay của chị Bình, nó đã trở nên sống động, có hồn. “Đôi bàn tay dù có thô ráp, nhưng mình làm nghề thì phải chấp nhận chứ em”.

da-4.jpg
Chị Bình đang tiếp tục hoàn thành những công đoạn cuối cùng của bức tượng (Ảnh: Võ Thắm)

Nhìn cách chị làm việc, chúng tôi dâng lên sự thán phục. Bởi để có thể chạm khắc ra một sản phẩm hoàn chỉnh, thì việc phải tì mạnh máy vào đá cứng liên tục sẽ cần có sự kiên nhẫn, hơn nữa, vừa sử dụng trí tưởng tượng, vừa sử dụng sức sẽ rất khó. Vậy mà trong chị, chúng tôi cảm nhận rất rõ một trái tim tràn trề nhựa sống cùng tình yêu nghề và sự nhiệt huyết.

Trời đã về chiều, những ánh nắng cũng đã tắt dần. Cuộc trò chuyện của chúng tôi đến hồi kết thúc, chị Bình cũng nhanh chóng tiếp tục hoàn thành công việc cho kịp tiến độ.

Lúc ra về, chúng tôi cứ thắc mắc mãi không thôi. Phải chăng khi đã yêu nghề, con người có thể vượt qua mọi giới hạn? Phải chăng khi yêu gia đình, con người có thể chấp nhận khóa trọn tuổi xuân?... Nhưng chí ít, trong ánh mắt của những người phụ nữ tại làng đá Non Nước, chúng tôi có thể cảm nhận được trọn vẹn chữ “sống”, sống trọn với nghề đá, sống trọn vì gia đình thân yêu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những người phụ nữ ở lng đá Non Nước