Tại phiên thảo luận tổ sáng nay 22/10 về dự thảo Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc th cho TP Hải Phng, Thanh Ha, Nghệ An v Thừa Thiên Huế, nhiều đại biểu ủng hộ v cho rằng, việc thí điểm sẽ tạo cú hích lớn cho các địa phương phát triển.
Cú hích cho địa phương phát triển
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng, để thúc đẩy phát triển KTXH phải dựa trên 3 trụ cột: Cơ chế chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao và động lực khoa học công nghệ. Tuy vậy, ông thấy các tỉnh mới chỉ đề xuất liên quan cơ chế chính sách tài chính, ngân sách, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... mà chưa đề cập đến nhân lực và khoa học công nghệ là chưa đầy đủ.
Đại biểu Vương Quốc Thắng - Quảng Nam cho rằng, các tỉnh nên đề xuất nội dung này vì mỗi lần xây dựng được cơ chế chính sách đặc thù cũng không đơn giản. Muốn có động lực phát triển đều quan tâm có nguồn nhân lực chất lượng cao, từ lãnh đạo quản lý đến doanh nhân, người lao động. Chúng ta thu hút tốt FDI nhưng không phải cứ dựa mãi nhân công giá rẻ, ưu đãi đầu tư mà cần thiết có chuyển dịch nghiên cứu, nâng hệ sinh thái khoa học công nghệ, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Công Long -Đồng Nai cũng nhận định, các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo cú hích và động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ cho địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Đại biểu cũng ủng hộ cơ chế đặc thù về đất đai, nhưng cũng băn khoăn về tác động của chính sách trong thời gian dài chứ không chỉ trong 5 năm thí điểm. Vì có những tác động mà trong 5 năm không thể đánh giá hết được, như việc chuyển đổi đất rừng có tác động đến môi trường thế nào khó có thể đánh giá trong thời gian 5 năm. Vì vậy, cần có đánh giá kỹ hơn cơ chế về đất đai, đặc biệt đất rừng, đại biểu cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, cũng có ý kiến đặt vấn đề vì sao địa phương này có cơ chế đặc thù còn địa phương khác không có.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thể chế chính sách của nước ta là thống nhất nhưng trong quá trình phát triển cần thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới, nếu kết quả thí điểm cho thấy hiệu quả, phù hợp thì có thể nhân rộng trong toàn quốc, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới và sẽ tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa. Chính sách đặc thù, thí điểm ở một số địa phương nhưng cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Quá trình thí điểm tốt, hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá và trở thành quy định có tính phổ quát chung và tiếp tục phát triển cao hơn nữa, Chủ tịch nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là với những địa phương có tiềm năng, có khả năng phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thúc đẩy các địa phương này phát triển, đồng thời tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác, cho cả nước; còn với các địa phương có điều kiện khó khăn hơn thì có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác.
Sự lựa chọn kỹ càng
Với 4 địa phương được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù lần này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Chính trị đều đã có các Nghị quyết riêng về phát triển các địa phương này trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, yêu cầu phát triển. Các dự thảo Nghị quyết lần này của Quốc hội đều nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Trung ương về các địa phương này.
Trong đó, với Hải Phòng, đây là địa phương nằm trong tam giác phát triển của phía Bắc, một trong những cực tăng trưởng của phía Bắc đã có những bứt phá mạnh mẽ trong thời gian gần đây cả về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới…
Cả nước đang phấn đấu đến năm 2030 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 5 - 7.000 USD thì Hải Phòng đặt mục tiêu vượt 16.000 USD. Nhu cầu phát triển của Hải Phòng rất lớn. Tầm nhìn của Hải Phòng đến năm 2045 không chỉ là cực tăng trưởng nữa mà trở thành động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước; phấn đấu là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành thành phố tầm cỡ trong khu vực. Do đó, năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết riêng về phát triển TP Hải Phòng với sự chuẩn bị hết sức công phu.
Đối với Thừa Thiên Huế, trước đây chúng ta đã có Nghị quyết đặt mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sau 10 năm thực hiện, Thừa Thiên Huế đã đạt được những bước phát triển tốt. Tuy nhiên, khu vực nông thôn, ví dụ như huyện miền núi A Lưới, có xuất phát điểm và hạ tầng rất khó khăn, khó có thể đạt tiêu chí Thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, Bộ Chính trị đã có quyết sách mới, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương với cốt lõi là cố đô Huế.
Đối với Thanh Hóa, sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần vào thăm Thanh Hóa, Người nói “Thanh Hóa đất rộng, người đông, của cải nhiều chỉ thiếu sự sắp đặt và thu xếp”. Vừa qua, Thanh Hóa đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết phấn đấu trở thành một cực trong tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc bao gồm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh - Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, khu vực miền Tây Thanh Hóa còn rất khó khăn như huyện Mường Lát hiện vẫn rất khó khăn. Nghệ An cũng tương tự như vậy. Diện tích lớn nhất, dân số đứng thứ tư cả nước, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng còn nhiều khó khăn, nhất là các huyện miền tây Nghệ An. Thanh Hóa và Nghệ An cũng là hai địa phương khởi đầu của phong trào xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản và hiện đang được nhân rộng ra cả nước. Đây là sáng kiến rất đặc thù của hai địa phương này.
Từ điều kiện và yêu cầu phát triển thực tiễn của từng địa phương như vậy, cần thiết phải có cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho các địa phương tiếp tục phát triển. Các cơ chế, chính sách được Chính phủ trình Quốc hội lần này đã được các địa phương, các cơ quan của Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra, rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các dự thảo Nghị quyết này đã được chuẩn bị công phu, cơ bản đạt được sự đồng thuận khá cao. Nếu được Quốc hội đồng ý thông qua theo thể thức rút gọn tại Kỳ họp này, sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của các địa phương, đồng thời cũng góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và phục hồi phát triển trong thời gian tới.