Phóng sự - Ghi chép

Có một “cuộc chiến” khác ở Mường Phăng

T.Thành - Đ.Trang 02/05/20 06:30

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Mường Phăng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn là nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch. Tại đây, những chỉ thị, mệnh lệnh được đưa ra có tính chất quyết định để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau khi thắng giặc ngoại xâm, Mường Phăng lại bước vào một “cuộc chiến” khác.

a4(1).jpg

“Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”

Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, ngoài các địa danh nổi tiếng như Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1... không thể không nhắc đến Mường Phăng. Đây là nơi đặt Sở Chỉ huy - cơ quan đầu não của chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ 31/1 - /5/1954).

Ngoài việc là căn cứ, Mường Phăng còn có vai trò rất lớn trong thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” người dân Mường Phăng đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, quyên góp, vận chuyển lương thực thực phẩm phục vụ chiến dịch nói chung và Bộ Chỉ huy chiến dịch tại xã Mường Phăng nói riêng, góp phần quan trọng vào chiến công vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Trong chiến dịch, quân Pháp bố trí lực lượng, lập đồn bốt ở khắp mọi ngả đường vào trận địa; máy bay chiến đấu quần thảo khắp lòng chảo Mường Thanh và khu vực lân cận để ngăn chặn mọi hoạt động tiếp viện từ hậu phương của quân ta.

Thời điểm đó, đời sống người dân Mường Phăng rất khó khăn, thiếu thốn, song với tinh thần “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, toàn dân Mường Phăng đã ra sức tăng gia sản xuất, tiết kiệm ăn độn nhiều ngô khoai dành phần lúa gạo tốt để chi viện cho tiền tuyến. Điển hình như trường hợp cụ Lò Thị Đôi, nữ dân quân tham gia đội tự vệ xã Mường Phăng. Mặc dù giờ cụ đã đi xa nhưng những đóng góp của cụ trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch luôn được khắc ghi.

img_0719(1).jpg
Cụ Lò Thị Đôi, nguyên nữ Dân quân Mường Phăng

Ngày đó, cụ Đôi đã vận động chị em phụ nữ và bà con dân bản ủng hộ, tiếp tế gạo, rau, thịt cho Bộ Chỉ huy chiến dịch. Để có lương thực, thực phẩm, cụ Đôi đã lặn lội vào từng nhà vận động đồng bào ủng hộ cho bộ đội.

Lúc đầu gặp nhiều khó khăn, bởi người dân Mường Phăng và một số xã lân cận đều nghèo, thế nhưng sau khi nghe giải thích, họ đều ủng hộ. Người có gạo ủng hộ gạo, hộ có trâu, bò ủng hộ trâu bò... Không những thế, có nhiều người còn tình nguyện xin đi vận chuyển quân lương.

Nhờ đó phong trào “dốc bồ, đổ thúng” lan tỏa tới từng nhà dân, để “tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng”. Sau thời gian ngắn (khoảng 5 tháng) vận động, nhân dân Mường Phăng đã ủng hộ Bộ Chỉ huy chiến dịch được 9 tấn lúa và 5 con trâu, trong đó gia đình cụ Đôi còn ủng hộ thêm nhiều trâu, bò, rau xanh.

Không chỉ đóng góp lương thực, thực phẩm, người dân Mường Phăng còn một lòng thủy chung với cách mạng. Để đảm bảo bí mật, an toàn cho Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng nghìn người đã tình nguyện tham gia thiết lập các hành lang bảo vệ nhiều vòng, nhiều lớp liên hoàn vừa chủ động ngăn chặn sự xâm nhập của địch, vừa thuận tiện trong tiếp tế cho lực lượng đóng quân.

Khu Sở Chỉ huy cách trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hơn chục cây số đường chim bay, quân Pháp thường xuyên cho máy bay tìm kiếm và xua quân càn quét, tìm diệt cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta. Nhưng suốt từ khi di chuyển và tập kết tại đây cho đến ngày quân ta giải phóng Điện Biên Phủ, nơi này đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Hồi sinh từ tàn tích chiến tranh

Những năm đầu sau giải phóng Điện Biên, Mường Phăng vẫn là vùng rừng sâu núi thẳm. Các thôn, bản cách xa nhau. Đường giao thông nhỏ, hẹp, đi lại rất khó khăn, mưa bùn, nắng bụi; giáo dục, y tế chưa phát triển…

Giai đoạn 1954 - 1959, xã Mường Phăng có 12 bản với tổng dân số khoảng trên 700 người thuộc 3 dân tộc chính là: Thái, Mông và Khơ Mú. Bản làng thưa thớt, đời sống người dân rất khó khăn. 100% hộ dân nhà tranh vách đất, vách tre nứa.

Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ xưa, ông Lò Văn Ắm, 78 tuổi ở bản Co Mận kể: “Thời điểm ấy, Mường Phăng nghèo khổ lắm. Khoai, sắn không có mà ăn. Nhà nào cũng phải vào rừng đào củ mài ăn chống đói. Mấy năm sau đó, nhờ có bộ đội vào hướng dẫn khai hoang, sản xuất, các hộ mới bắt đầu có những mảnh ruộng trồng lúa nhỏ lẻ. Canh tác 1 vụ, dành dụm được ít thóc gạo trộn với khoai, sắn để ăn thay củ mài nhưng mỗi năm vẫn thiếu đói 5 - 6 tháng”.

a2-xem-anh-chup-cung-dai-tuong(1).jpg
Ông Lò Văn Biên, nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Mường Phăng giai đoạn 1998 – 20, bên kỷ vật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Càng về sau, diện tích khai hoang trồng lúa ở Mường Phăng càng được người dân mở rộng. Tuy nhiên, phần lớn diện tích này đều chỉ sản xuất được 1 vụ vì thiếu nước.

Ông Lò Văn Biên (SN 1956), nguyên Bí thư, Chủ tịch xã Mường Phăng giai đoạn 1998 – 20 và cũng là con trai cụ Lò Văn Bóng - nguyên liên lạc và là cán bộ bảo vệ vòng ngoài Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước, cho biết: “Mãi đến sau năm 2000, phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp của xã chỉ canh tác được 1 vụ. Bà con đơn thuần trông chờ vào nguồn nước từ các con suối trên địa bàn. Ruộng thiếu nước nên năng suất, sản lượng không cao”.

Cũng theo lời kể của ông Biên, đến năm 2004, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm Mường Phăng, Đại tướng rất xót xa khi thấy người dân nơi đây phải sống trong cảnh khan hiếm nước sản xuất. Sau chuyến thăm ấy, với tình cảm gắn bó, xem Mường Phăng như quê hương thứ hai của mình, ngày 30/9/2008, Đại tướng đã viết một bức thư gửi Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Mường Phăng về xây dựng hồ chứa thủy lợi Loọng Luông.

Cuối năm 2010, dự án hồ chứa nước Loọng Luông bắt đầu được thi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2012. Hồ chứa nước đã mở ra thời kỳ phát triển nông nghiệp bền vững, ổn định tại xã Mường Phăng.

Trước đây, các bản đồng bào dân tộc Mông như: Loọng Luông 1, Loọng Luông 2, Co Mận, Loọng Háy, Loọng Nghịu luôn là “vùng lõm” phát triển kinh tế của xã Mường Phăng. Bởi người dân ít đất sản xuất, đất đai cằn cỗi, chỉ sản xuất được một vụ vì thiếu nước. Từ khi có hồ chứa nước Loọng Luông, những hạn chế trong sản xuất đã được khắc phục.

Thay da đổi thịt

Năm 2011, Mường Phăng bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với tâm thế là xã có xuất phát điểm thấp nhất trong 5 xã điểm. Khó khăn, thử thách chồng chất song, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Phăng luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, đồng lòng cống hiến công sức, dựng xây quê hương.

Trong xây dựng nông thôn mới, xã Mường Phăng được quy hoạch vừa mang yếu tố hiện đại, văn minh nhưng vẫn gìn giữ và phát huy tốt giá trị truyền thống các dân tộc. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ. Các trục đường liên xã được mở rộng, trải nhựa; 100% tuyến đường nội bản, liên bản được bê tông hóa kiên cố. Các công trình thủy lợi liên tiếp được đầu tư xây dựng với hàng trăm kilomet kênh mương được cứng hóa.

Hệ thống trường học 3 cấp đầu tư khang trang với đầy đủ trang thiết bị dạy và học; 100% bản được sử dụng điện lưới quốc gia… Công trình được Nhà nước hỗ trợ vật liệu thì người dân góp công sức thực hiện. Công trình nhà nước cấp kinh phí thì nhân dân hiến đất, hiến ruộng để thực hiện.

a6(1).jpg
Hạ tầng giao thông trên địa bàn xã Mường Phăng được đầu tư, nâng cấp, thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.

Thay cho con đường lổm ngổm đá cuội, chi chít ổ gà ngày trước, giờ đây từ TP. Điện Biên Phủ đã có 2 tuyến đường, 1 tỉnh lộ và 1 quốc lộ to, đẹp đến Mường Phăng.

Dọc trung tâm xã đã có đường đôi với 4 làn xe, vỉa hè ghép đá, hệ thống chiếu sáng, biển báo đầy đủ. Những bản nhà sàn mái ngói đỏ au. Nếp văn hóa truyền thống của dân bản được gìn giữ từ mỗi nếp nhà, nết ở ăn, văn hóa giao lưu, trình diễn.

Nếu như tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm hơn 42% thì đến nay toàn xã chỉ còn 4 hộ nghèo (chiếm 0,03%). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 3,5 triệu đồng (năm 2011) nâng lên 46 triệu đồng (năm 2023).

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng khẳng định: “Để Mường Phăng có được sự đổi thay như ngày hôm nay, đó là kết quả quá trình chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc. Quan trọng nhất là sự đổi mới trong nhận thức, cách nghĩ, cách làm của nhân dân. Không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bà con đã chủ động phát triển kinh tế, thoát nghèo, góp sức xây dựng quê hương đổi mới”…

a1-tro-chuyen-voi-ct-xa(1).jpg
Chủ tịch UBND xã Mường Phăng Lò Văn Hợp trao đổi với PV

Mường Phăng cứ thế đi vào thơ ca, nhạc họa, trở thành niềm tự hào không chỉ của người Việt Nam mà với cả nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình.

Dẫu phải đối mặt với không ít thách thức, song tiếp nối tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa, khắc ghi lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Mường Phăng đã không ngừng nỗ lực trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
C một “cuộc chiến” khác ở Mường Phăng