Cứ mỗi lần có thông báo xả lũ thì chỉ sau 1 đến 2 tiếng là cầu tràn ngập trắng, người dân xã Yên Nguyên phải dùng bè để di chuyển. Mỗi lượt di chuyển chiều đi chiều về mất 20.000 đồng/người và một ngày nếu di chuyển nhiều lần, chi phí đội lên càng cao.
Ngay sau khi báo Công lý đăng tải bài viết: “Ngập lụt kéo dài, giao thông chia cắt do hoạt động của nhà máy thủy điện tại Tuyên Quang”. Ngày /7/20, đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Sở GTVT, Sở Công Thương, UBND huyện Chiêm Hóa, UBND xã Yên Nguyên, Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Lam Sơn cùng các ông trưởng thôn Hợp Long 1, Hợp Long 2 có mặt tại hiện trường ngập nước, tiến hành kiểm tra tình hình thực trạng, lấy ý kiến các bên để giải quyết những khó khăn, thắc mắc và đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người dân .
Trả lời các câu hỏi của đoàn công tác liên ngành, ông Nguyễn Duy Khấn – Trưởng thôn Hợp Long 1, cho biết: Cái cầu tràn này thuộc 2 thôn Hợp Long 1 và Hợp Long 2, nhưng người dân của cả 2 thôn đều canh tác chung, vì thế nhu cầu đi lại là rất cần thiết.
Trước đây, khi Thủy điện 8A, 8B chưa đi vào hoạt động thì không xảy ra hiện tượng rút nước lâu như thế này, hoặc có tháng nào mưa nhiều, có lũ cũng chỉ bị ngập từ 1 đến 2 ngày rồi rút. Nhưng kể từ khi các Thủy điện này bắt đầu khai thác thì mỗi một tháng cầu tràn này phải bị ngập liên tục từ 10 đến ngày và rút rất chậm.
"Cứ mỗi lần có thông báo xả lũ thì y như rằng chỉ sau 1 đến 2 tiếng là cầu tràn bị ngập, người dân lại phải dùng bè mảng để di chuyển. Một lần đi và về mất 20 nghìn đồng, mỗi ngày đi cứ đi lại vài lần là mất toi 40 -50 nghìn đồng. Vì chi phí đi lại như thế nên cũng chẳng ai muốn đi làm", ông Khấn nói.
Cùng đồng quan điểm như vậy, đại diện cả 2 thôn đều mong muốn các cấp có thẩm quyền hỗ trợ, nâng cấp cây cầu tràn Hợp Long 2, để người dân đi lại được thông suốt. Đại diện UBND xã Yên Nguyên cũng nhất trí với ý kiến của 2 thôn và đề nghị các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND tỉnh sớm cải tạo nâng cấp cây cầu tràn theo nguyện vọng để người dân yên tâm làm ăn sinh sống.
Trao đổi với PV báo Công Lý, ông Hoàng Anh Cương - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang xác nhận: Hiện nay đơn vị đang phối hợp các cơ quan chuyên môn, tiến hành kiểm tra khảo sát đo đạc cụ thể, để tính toán cốt nước trước khi có Thủy điện và sau khi có Thủy điện như thế nào ? Bởi vì người dân ở đó người ta cũng phản ánh là trước khi có Thủy điện thì khu vực này vẫn bị ngập, nhưng mực rút nước nhanh hơn bây giờ.
"Công năng của các cây cầu tràn là nước cạn chảy dưới gầm cầu, nước lớn chảy trên mặt cầu. Do đó phải có số liệu thật chính xác mới có kết luận để đưa ra câu trả lời cụ thể được", Ông Cương nói.
Thời gian gần đây, do thời tiết mưa nhiều ở khu vực thượng nguồn sông Lô tại Hà Giang, có những lúc lũ dâng cao từ 3 đến 4 mét. Để đảm bảo an toàn, thủy điện Sông Lô 8A và thủy điện Sông Lô 8B tại Tuyên Quang đã triển khai các biện pháp ứng phó xả lũ và thông báo rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết, có phương án phòng chống và giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.
Trong giai đoạn này, một số điểm sạt lở thuộc thôn Quang Thắng, xã Phúc Ninh về phía hạ lưu, cách chân bờ đập Thủy điện Sông Lô 8B khoảng vài trăm mét là mối lo ngại của bà con nơi đây. Mặc dù đã được hỗ trợ đền bù, nhưng tiến độ sạt lở như thế này có thể sẽ gây nhiều thiệt hại về hoa màu và tài sản của các hộ liền kề Thủy điện.
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Ánh trú tại thôn Minh Tân xã Phúc Ninh, cho biết: Hiện tại thôn Minh Tân còn 9 hộ dân chưa nhận hỗ trợ đền bù của nhà máy Thủy điện Sông Lô 8B, trong đó có cả gia đình tôi, vì nhận thấy mức giá chưa thỏa đáng so với thiệt hại, như nhà tôi có 3 – 4 sào đất bằng đẹp lắm nhưng nước dâng mất hết mà lại hỗ trợ không đáng kể gì nên chúng tôi không chấp thuận.