Tin nhanh

Công nghệ AI quét võng mạc có thể phát hiện sớm bệnh Parkinson

Hà Mai 22/08/2023 - 17:52

Ngày 22/8, một nghiên cứu cho thấy các phương pháp quét võng mạc sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện bệnh Parkinson ở người trước khi họ có triệu chứng.

Công nghệ này có thể được sử dụng như một công cụ sàng lọc cho những người có nguy cơ mắc bệnh này.

parkinson.jpg
Công nghệ AI quét võng mạc có thể phát hiện sớm bệnh Parkinson. (Ảnh: National news)

Một nhóm các nhà khoa học ở Bệnh viện Mắt Moorfields và Viện Nhãn khoa UCL (Anh) đã sử dụng AI để phân tích bộ dữ liệu AlzEye và thu thập các dấu hiệu võng mạc.

Họ xem xét 4.830 bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên đã đến khám tại các bệnh viện nhãn khoa chăm sóc thứ cấp ở London từ năm 2008 đến 2018.

Quá trình này được thực hiện bằng cách sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng sinh học Vương quốc Anh, đánh giá 67.311 tình nguyện viên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 40 đến 69 được từ năm 2006 đến 2010.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người mắc bệnh Parkinson có lớp đám rối bên trong tế bào hạch mỏng hơn và lớp nhân bên trong mắt.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc quan sát thấy các lớp này trong những năm trước khi các triệu chứng xuất hiện có thể giúp phát hiện bệnh sớm hơn.

Siegfried Wagner, một nhà nghiên cứu lâm sàng tại Bệnh viện Moorfields và Viện Nhãn khoa UCL, cho biết: “Tôi ngạc nhiên trước những gì chúng ta có thể khám phá được thông qua việc quét mắt”.

“Mặc dù chúng tôi chưa thực sự dự đoán được liệu một cá nhân có phát bệnh Parkinson hay không nhưng chúng tôi hy vọng rằng phương pháp này có thể sớm trở thành một công cụ sàng lọc cho những người có nguy cơ mắc bệnh. Việc tìm ra dấu hiệu của một số bệnh trước khi các triệu chứng xuất hiện có nghĩa là trong tương lai, mọi người có thể có thời gian để thay đổi lối sống để ngăn ngừa một số bệnh phát sinh và các bác sĩ lâm sàng có thể điều trị sớm trước khi bệnh khởi phát cũng như tác động của các chứng rối loạn thoái hóa thần kinh làm thay đổi cuộc sống”.

Alastair Denniston, bác sĩ tư vấn nhãn khoa tại Bệnh viện Đại học Birmingham, Giáo sư tại Đại học Birmingham và là thành viên của Trung tâm nghiên cứu y sinh NIHR, cho biết: “Công trình này chứng tỏ tiềm năng của dữ liệu về mắt, được khai thác bởi công nghệ để nhận biết các dấu hiệu và thay đổi quá tinh tế mà con người không thể nhìn thấy. Bây giờ chúng tôi có thể phát hiện những dấu hiệu rất sớm của bệnh Parkinson, mở ra những khả năng mới trong điều trị”.

Bà Louisa Wickham, Giám đốc y tế của Moorfields, cho biết với tiềm năng “phân tích dự đoán” hình ảnh trên phạm vi dân số rộng hơn có thể “có tác động rất lớn đến sức khỏe cộng đồng trong tương lai”

Bà nói thêm: “Quét OCT (chụp cắt lớp quang học) có khả năng mở rộng hơn, không xâm lấn, chi phí thấp hơn và nhanh hơn so với chụp quét não trong việc chẩn đoán bệnh này”.

Dự án có sự tham gia của Viện Y tế và Chăm sóc Xã hội Quốc gia, cũng như các Trung tâm nghiên cứu y sinh tại Bệnh viện Mắt Moorfields, Bệnh viện Đại học Birmingham, Bệnh viện Great Ormond Street, Bệnh viện Đại học Oxford, Bệnh viện Đại học London và Viện Sức khỏe Trẻ em UCL Great Ormond Street.

Những phát hiện của nó đã được công bố trên tạp chí Thần kinh học - tạp chí y khoa của Học viện Thần kinh học Hoa Kỳ.

Claire Bale, Phó Giám đốc Nghiên cứu tại Parkinson's UK, cho biết: “Can thiệp sớm hơn để ngăn chặn tình trạng mất đi các tế bào não quý giá là chìa khóa để chữa trị thành công căn bệnh này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cng nghệ AI quét vng mạc c thể phát hiện sớm bệnh Parkinson