Ngoi cng ty chính, các lãnh đạo AIC chỉ đạo cấp dưới liên hệ với các cng ty bên ngoi lm "quân xanh" để trúng thầu, hứa hẹn sẽ cho họ bán thiết bị y tế vo Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Ngày 22/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục diễn ra ở phần xét hỏi với nhóm bị cáo liên quan đến hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và công ty AIC.
Theo cáo buộc, sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tham gia các gói thầu tại Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AIC, Hoàng Thị Thúy Nga - Phó Tổng Giám đốc AIC đã chỉ đạo nhân viên liên hệ các hãng, các đơn vị cung cấp để thu thập thông tin, giá sản phẩm đầu vào, lợi nhuận dự kiến, làm cơ sở phê duyệt giá đầu ra, bán vào bệnh viện.
Theo chỉ đạo của bị cáo Nhàn, bị cáo Nga, toàn bộ các báo giá làm căn cứ thẩm định giá đều nâng khống lên từ 1,3 - 2 lần so với giá đầu vào. Đồng thời, bị cáo Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu, lập hồ sơ dự thầu cho cả công ty chính và công ty "quân xanh", nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ dự thầu cho đủ số lượng theo quy định.
Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định tham gia 16 gói thầu và trúng toàn bộ 16 gói. Trong đó, công ty AIC đứng tên trúng thầu 12 gói thầu với tổng trị giá 477 tỉ đồng.
Còn 4 gói thầu, để tránh việc công ty AIC trúng tất cả các gói thầu tham gia, Nhàn chỉ đạo Nga liên hệ để nhân viên AIC lập hồ sơ cho công ty Thành An Hà Nội trúng 2 gói thầu, BMS trúng 1 gói, TNT trúng 1 gói.
Trước tòa, nhóm các bị cáo liên quan đến công ty "quân xanh" thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng truy tố.
Trong đó, bị cáo Lê Thị Bích Thuỷ - Giám đốc Công ty TNT thừa nhận tội danh truy tố là "đúng người, đúng tội". Theo bị cáo, công ty tham gia làm “quân xanh” 11 gói thầu, trong đó có 1 gói đứng tên chính (gói số 73). Về hành vi này, sau khi được cơ quan điều tra phân tích, bị cáo thấy đó là việc làm sai của bị cáo dẫn tới kết quả như vậy.
Bị cáo trình bày, nguyên nhân dẫn tới việc làm này là do thiếu hiểu biết về đấu thầu, sức ép về doanh số nhằm duy trì lương cho nhân viên nên dẫn tới việc TNT làm "quân xanh” cho công ty AIC trúng thầu.
Bị cáo mong được ghi nhận những vấn đề về nhân thân, đóng góp của cá nhân bị cáo cũng như công ty cho xã hội. Bị cáo được cơ quan điều tra phân tích, bị cáo thấy rõ thiệt hại nên đã chủ động nộp 3,5 tỉ đồng.
Bị cáo Nguyễn Văn Bằng - cựu Giám đốc Công ty Tâm Hợp cũng thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng.
Theo bị cáo, gói thầu liên quan trong vụ án diễn ra khá lâu. Nhân viên AIC có nói làm giúp 1 "quân xanh" cho gói thầu 69.
"Sau khi làm việc với cơ quan điều tra bị cáo mới biết rõ sai phạm là vi phạm về đấu thầu nên bị cáo đã thành khẩn khai nhận, mong sớm kết thúc vụ án", Bằng khai.
Sau khi làm quân xanh để AIC trúng thầu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 7,5 tỉ đồng, bị cáo đã tác động tới gia đình nộp lại số tiền khắc phục hậu quả là 500 triệu đồng.
Bị cáo Huỳnh Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân khai tại tòa, được công ty AIC nhờ ký 13 bản báo giá dưới sự vô thức bởi nghĩ đó là chào hàng, giới thiệu sản phẩm.
Bị cáo cho hay, bản thân không có hiểu biết sâu. Tại cơ quan điều tra, bị cáo đã tác động tới công ty nộp lại 643 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Cơ quan chức năng cáo buộc, bị can Nhàn có vai trò chủ mưu, cầm đầu về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", khiến Nhà nước thiệt hại hơn 2 tỉ đồng.
Cùng trong phần xét hỏi sáng nay, bị cáo Nguyễn Thị Dung (Tổng giám đốc Công ty Mediconsult Việt Nam) thừa nhận cáo trạng truy tố đúng, “nhưng cũng hơi nặng”.
Theo lời bị cáo Dung, Công ty Mediconsult được thành lập từ tháng 7 năm 2001, với công việc chính là làm các nghiên cứu và báo cáo phát triển, thiết kế bệnh viện, tư vấn về đấu thầu mua sắm.
Liên quan đến mối quan hệ với Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bị cáo Dung khai vào năm 2007, 2008, bà Nhàn có dẫn đoàn cán bộ đến thăm công ty và muốn nhờ viết đề xuất giải quyết dự án nên Công ty đã viết 4 đề xuất nghiên cứu. Tuy nhiên, bà Nhàn không trả tiền cho những nghiên cứu đó.
Nguyễn Thị Dung cũng cho biết, bác sĩ Vũ (Phan Huy Anh Vũ – cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai- PV) có gọi điện bảo Nhàn giới thiệu bên Công ty Mediconsult là công ty tư vấn, AIC đã và đang làm một số việc tại Bệnh viện do lãnh đạo tỉnh giới thiệu, có giới thiệu bên Công ty vào làm việc. Sau đó bị cáo vào Đồng Nai để phía bệnh viện kiểm tra năng lực của công ty.
Theo lời khai báo của bị cáo Dung, trước khi triển khai gói thầu, ông Vũ gọi vào làm việc vì dự án triển khai thiết bị y tế tại bệnh viện rất khả thi. Dự án điều chỉnh thiết bị y tế giao trực tiếp cho bị cáo Vũ Quang Ngọc (cựu Phó giám đốc Công ty) làm và chỉ được báo cáo tiến độ.
Bị cáo Dung cũng cho biết thời điểm này Bệnh viện Đồng Nai ngang với Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Vũ là người rất khó tính, đang muốn triển khai bệnh viện theo hướng mới. Tuy nhiên, thời điểm đó, kiến thức pháp lý của bị cáo có phần hạn chế. Bị cáo có biết Công ty AIC bắt đầu tham gia vào dự án, và có nói với bị cáo Vũ là mình phải làm chặt chẽ.
Cuối lời, nữ Tổng giám đốc Công ty Mediconsult Việt Nam Nguyễn Thị Dung nhận thấy bản thân mình đã góp phần khiến cho nhân viên bị điều khiển một cách quá giới hạn nhiệm vụ quy định của một tư vấn.