Củ Chi là vùng đất chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Trải qua 49 năm xây dựng và phát triển, nơi đây đã từng bước “thay da, đổi thịt”, đời sống của Nhân dân được cải thiện và thu nhập bình quân ngày càng tăng. Củ Chi hiện là huyện đầu tiên của TPHCM được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ “Đất thép thành đồng” anh hùng…
Theo cổng thông tin huyện Củ Chi, trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Củ Chi là địa bàn luôn diễn ra sự tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Đồng thời, đây cũng là nơi để lực lượng cách mạng xây dựng căn cứ kháng chiến làm bàn đạp tấn công vào trung tâm đầu não của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.
Nơi đây, đế quốc Mỹ đã trút xuống 0.000 tấn bom đạn, trong đó có cả B52 và chất độc da cam, tổ chức trên 5.000 trận hành quân bố ráp hòng tiêu quân và dân Củ Chi.
Đương đầu với những thách thức ác liệt và nghiệt ngã của chiến tranh, Đảng bộ và Nhân dân Củ Chi đã kiên cường bám trụ, bám làng đánh giặc và tiễn đưa hơn 18.000 con em của mình tham gia kháng chiến. Mồ hôi, nước mắt và cả xươmg máu hòa quyện vào lòng đất đã nung nấu tạo thành sức mạnh xung thiên quyết tâm bám trụ, chiến đấu kiên cường với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”, thể hiện khí phách hào hùng của một dân tộc với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Với tinh thần quả cảm, mưu trí, sáng tạo trong đánh giặc Mỹ, quân và dân Củ Chi đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu cao quý "Đất thép thành đồng" và tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng Ba tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng toàn miền Nam lần thứ hai vào ngày 17/9/1967.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Củ Chi là vành đai ở cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn, giữ vị thế chiến lược quan trọng. Nhắc đến Củ Chi là nhắc đến "vành đai đỏ", "vành đai lửa", "vùng đất trắng" hay "vùng đất thép". Củ Chi đi vào lịch sử với vị trí là một địa bàn chiến lược, là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy và Quân khu Sài Gòn - Gia Định.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mặt đất Củ Chi không còn nơi nào lành lặn, hàng chục ngàn ngôi nhà cháy sập, hàng vạn ha ruộng vườn bị cày xới, mặt đất loang lổ hố bom, cỏ Mỹ mọc tràn lan, trong lòng đất còn ẩn chứa đầy rẫy bom mìn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền, bước ra khỏi cuộc kháng chiến, toàn huyện có hơn 35.000 gia đình chính sách; 2.135 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 39 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; hơn 10.000 liệt sĩ; hơn 3.800 thương binh, bệnh binh, trên 10.000 gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng và hàng ngàn người dân phải hứng chịu bao nỗi đau thể xác lẫn tinh thần.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, Củ Chi luôn quan tâm đến việc thực hiện các chính sách ưu đãi dành cho người có công với nước, tích cực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, chăm lo đời sống các gia đình chính sách. Đến nay, huyện đã xây được 4.489 căn nhà tình nghĩa; chăm lo, phụng dưỡng tốt cho các Mẹ Việt Nam anh hùng đang còn sống. Vận động và xây tặng gần 6.616 căn nhà tình thương cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Chính từ những cống hiến, hy sinh to lớn đó, Củ Chi được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Huyện: Anh hùng lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới; có 2 đơn vị Lực lượng võ trang và 16/21 xã, thị trấn được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, Củ Chi còn được tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba, Huân chương Lao động…
…Đến hoàn thành chương trình nông thôn mới
Bà Phạm Thị Thanh Hiền cho biết thêm, nếu trong kháng chiến, người dân Củ Chi thà hy sinh để nhường sự sống cho đồng bào mình thì trong hòa bình, mọi người lại cùng nhau làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa. Củ Chi sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh nội sinh, biến niềm tự hào của quá khứ thành động lực quan trọng để kiến thiết, xây dựng quê hương.
Với tư duy đổi mới, sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Củ Chi đã có nhiều đổi thay tích cực sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trên địa bàn huyện có 10.228 hộ dân hiến 946.555m2 đất và vật kiến trúc với tổng trị giá là 487,506 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng; mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh gồm 2.107 tuyến đường và 213 tuyến hẻm, có chiều dài 1.434 km.
Hệ thống giao thông của huyện được phát triển đồng bộ đã kết nối liên thông các tuyến đường, kết nối liên thông từ huyện đến xã, phục vụ tốt cho việc đi lại của người dân, vận chuyển nông sản và vật tư phục vụ sản xuất.
Cùng với đó là tinh thần tự lực tự cường và đóng góp của người dân trong khôi phục, phát triển sản xuất, Huyện đã đầu tư xây dựng kiên cố hóa hơn 500km kênh chính, kênh nội đồng của hệ thống Kênh Đông và 200 km kênh tiêu, khai thác mạch nước ngầm và thủy triều trên hệ thống sông ngòi để phục vụ tưới tiêu cho 12 xã với diện tích hơn 13.500 hecta, chiếm 42,3% đất canh tác. Đây là công trình thiết thực, phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Từ khi có nước Kênh Đông, toàn huyện Củ Chi đã tiến hành khai hoang phục hóa, tháo chua, xổ phèn đồng ruộng. Nhờ đó nhiều diện tích bỏ hoang do không có nguồn nước tưới, sản xuất một vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp, một số vùng bà con đã sản xuất được 4 vụ/năm. Trong đó lúa từ 1,2 – 1,5 tấn/ha/vụ (trước năm 1985), tăng bình quân lên 4,5 tấn/ha/vụ; đậu phộng (lạc) từ 0,8-1,2 tấn/vụ/ha, tăng bình quân lên 3,2-3,5 tấn/ha/vụ. Nông dân đã yên tâm mạnh dạn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến vùng đất Thép xưa kia trở thành một vùng đất trù phú xanh tươi, là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho thành phố.
Công trình thủy lợi Kênh Đông Củ Chi đã góp phần to lớn trong việc khai thác tổng hợp nguồn nước phục vụ đa mục tiêu theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và dân sinh của Thành phố. Nhờ có công trình thủy lợi, Thành phố đã chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản với trên 1.000 ha mặt nước; cấp nước sinh hoạt cho khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, công suất 5.000m3/ngày đêm… Bên cạnh đó, công trình có vai trò quan trọng trong việc đẩy mặn khu vực ven sông Sài Gòn, gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12 và khu vực Bắc Bình Chánh hơn 20.000 ha và phòng chống cháy rừng.
Riêng Đề án cấp nước sạch cho người dân, Củ Chi đã đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng. Trong 18 tháng (từ tháng 7/20 đến tháng 12/2016), toàn huyện trở thành một đại công trình cấp nước sạch. Đầu năm 2017, 100% hộ dân Củ Chi đã được tiếp cận và sử dụng nước sạch.
Với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, Củ Chi là cửa ngõ Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh, nơi có tuyến đường xuyên Á nối liền TPHCM với tỉnh Tây Ninh và sang Campuchia. Là địa bàn tiếp giáp với sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông, có nhiều hệ thống kênh rạch, thuận lợi cho việc phát triển giao thông thủy, bộ phục vụ cho việc phát triển kinh tế.
Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Thành phố với diện tích đất nông nghiệp là 31.185,65ha (chiếm khoảng 70% trên tổng diện tích tự nhiên của huyện). Hiện nay, Củ Chi thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới nông nghiệp xanh, phát triển bền vững. Huyện từng bước phá vỡ thế độc canh và sản xuất tự cấp tự túc tiến tới sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Củ Chi đã quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, đầu tư công nghệ cao, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, trợ vốn qua các chương trình tín dụng giúp nông dân đầu tư máy móc trang thiết bị, đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, tăng cường công tác khuyến nông và nhân giống các loại cây trồng vật nuôi có chất lượng cao.
Nhiều mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp được hình thành như chăn nuôi bò sữa, nuôi cá kiểng, trồng hoa lan, cây kiểng, rau an toàn, phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái.
Tận dụng ưu thế về đồng cỏ, các phế phẩm nông nghiệp, huyện Củ Chi đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa, hỗ trợ vốn vay, tổ chức mạng lưới tiêu thụ sữa tươi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn bò sữa của huyện là 34.428 con, trong đó, có khoảng 11.000 con đang cho sữa, sản lượng bình quân đạt 200 tấn sữa/ngày. Bò sữa được xác định là vật nuôi chủ lực của huyện, góp phần giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả trong thời gian qua trên địa bàn huyện.
Trong lĩnh vực trồng trọt, hoa lan và cây rau an toàn là 02 loại cây trồng chủ lực trong ngành trồng trọt của huyện Củ Chi.
Trong đó, diện tích rau an toàn trên địa bàn huyện tính đến hết quý I/20 diện tích gieo trồng đạt 4.418,ha với năng suất bình quân từ 25 đến 30 tấn/ha/vụ, doanh thu bình quân ước đạt từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ha/vụ. Huyện đang tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị chức năng hỗ trợ nông dân thực hiện sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, triển khai trên toàn huyện.
Tổng diện tích hoa lan cây kiểng hiện nay là 334 ha với 777 hộ dân sản xuất. Trong đó: cây kiểng có 275 hộ sản xuất với diện tích canh tác là 188 ha; hoa lan có 502 hộ sản xuất với diện tích canh tác là 146ha, với doanh thu bình quân đạt 1,4 tỷ đồng /ha/năm (lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 700 triệu đồng đến 800 triệu đồng/ha/năm).
Ngoài ra, chương trình cải tạo vườn tạp phát triển vườn cây ăn trái cũng là một định hướng đúng đắn của huyện gắn với du lịch sinh thái. Đến nay, Củ Chi đã từng bước hình thành vườn cây ăn trái tập trung ở các xã ven sông Sài Gòn.
Trong cơ cấu kinh tế, Củ Chi tiếp tục tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ, tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, huyện có 04 khu công nghiệp và khu nông nghiệp công nghệ cao thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn huyện, huyện đã thường xuyên tổ chức khảo sát, lấy ý kiến doanh nghiệp, duy trì triển khai Chương trình đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp hàng năm để nắm bắt tình hình hoạt động, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất của các doanh nghiệp hoặc kiến nghị Thành phố giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh sau những biến động của nền kinh tế trong nước và ngoài nước.
Đồng thời, tăng cường sự liên kết, kết nối giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp trên địa bàn huyện, nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Kết quả từ năm 2020 đến nay, Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp tổ chức 05 hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Lãnh đạo huyện với doanh nghiệp và kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, qua đó các ngân hàng thương mại đã tham gia ký kết hỗ trợ tín dụng cho 88 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 2.427 tỷ đồng.
Với sự quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế của chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, từ sau dịch COVID-19 đến nay các doanh nghiệp đã dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và không ngừng lớn mạnh, giúp huyện hoàn thành tốt và xuất sắc nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 167,68% so với chỉ tiêu đề ra, năm 2023 đạt 110,01% so với chỉ tiêu đề ra.
Tính đến nay, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện là 7.748 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ là 52.797,38 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 122.630 lao động.
Số lượng hộ kinh doanh và doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, bình quân mỗi năm có trên 1.500 hộ kinh doanh và 1.000 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Điều đó cho thấy “sức hút” của Củ Chi ngày càng mạnh mẽ.
Có thể nói, Củ Chi là một vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử trong hai cuộc kháng chiến. Đây là niềm tự hào của Nhân dân Củ Chi với hệ thống địa đạo Củ Chi, vành đai diệt Mỹ, Đội nữ du kích Củ Chi. Sau 49 năm xây dựng và phát triển, Củ Chi đã từng bước “thay da, đổi thịt”, thu nhập người dân ngày càng tăng, là huyện đầu tiên của TPHCM được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tiến tới xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 20.