Nỗ lực chuyển đổi số trong thời gia qua đã giúp ngành Dược trở nên “thân thiện” hơn với doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm thời gian, công sức cho các bên, tăng tính công khai minh bạch của thủ tục.
Chuyển đổi số từ hệ thống quản lý
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Cục Quản lý Dược đã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số ngành Dược giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030 theo 02 giai đoạn: Giai đoạn đầu 05 năm (2020 - 2025) và giai đoạn hai đến năm 2030. Riêng gia đoạn đầu, ngành Dược đặt mục tiêu, phấn đấu về đích trước 02 năm (2023 phải hoàn thành); giai đoạn hai về đích trước 05 năm (năm 2025 hoàn thành).
Sau 3 năm triển khai Kế hoạch, Cục Quản lý Dược đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, từ đầu năm 2020, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19, Cục Quản lý Dược đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phần mềm để các cơ sở sản xuất thuốc, nhập khẩu thuốc báo cáo liên tục việc xuất, nhập, tồn cũng như kế hoạch sản xuất, nhập khẩu các thuốc được khuyến nghị sử dụng trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.
Mới đây tại Hội nghị Tổng kết công tác dược, mỹ phẩm năm 2023, định hướng, trọng tâm công tác năm 20, Cục trưởng Vũ Tuấn Cường cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý Dược đã triển khai Hệ thống Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia kết nối mạng các nhà thuốc toàn quốc. Tính từ tháng 8/2018 đến nay, Cục đã kết nối 63/63 tỉnh/TP. Hệ thống đã cấp hơn 100.000 tài khoản, quản lý hơn 1,1 tỷ hóa đơn bán hàng, gần 500 triệu phiếu xuất nhập tồn, hơn 100 triệu đơn thuốc.
Cục Quản lý Dược cũng thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin các thuốc được cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành trên trang dịch vụ công trực tuyến. Tính đến nay đã có 46.287 dữ liệu thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố. Bên cạnh đó, kết quả giải quyết hồ sơ thay đổi, bổ sung, đính chính trực tuyến đã được tích hợp trong phần lịch sử của từng thuốc.
Đối với cơ sở dữ liệu về chứng chỉ hành nghề dược và cơ sở kinh doanh dược, Cục Quản lý Dược đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu hành nghề và kinh doanh dược với thông tin về toàn bộ các cơ sở kinh doanh dược (400 cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, 5.073 cơ sở bán buôn, 62.558 cơ sở bán lẻ thuốc) và 127.197 chứng chỉ hành nghề đã được cấp trên toàn quốc.
Các Sở Y tế trong toàn quốc đã có cơ sở dữ liệu chung về chứng chỉ hành nghề và việc hành nghề của các cá nhân đã được cấp chứng chỉ hành nghề dược. Tránh được tình trạng cấp trùng chứng chỉ hành nghề ở các địa phương.
Để đảm bảo công tác quản lý, Cục Quản lý Dược đã số hóa, xây dựng và cập nhật lên Ngân hàng dữ liệu ngành dược (drugbank.vn) với thông tin, dữ liệu của .230 thuốc đang được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin về thuốc, đáp ứng được các tiêu chí chính xác và đầy đủ.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, việc chuyển đổi sang mang lại những hiệu quả thiết thực: Quy trình điện tử giúp 100% hồ sơ được quản lý, lưu trữ, bảo quản và truy xuất qua mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý giá thuốc; tăng cường kiểm soát thuốc kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn cả nước; góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về chống kháng thuốc; giúp thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, quản lý chất lượng thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn…
Kết nối dữ liệu - người dân và doanh nghiệp hưởng lợi
Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn đầu Kế hoạch chuyển đổi số ngành Dược giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030 là đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
Về mục tiêu trên, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường cho biết: Tính đến nay, Cục Quản lý Dược đã cung cấp 94 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 100%) kết nối, trao đổi dữ liệu với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế. Trong đó có 26 dịch vụ công trực tuyến tham gia Cơ chế một cửa quốc gia thuộc lĩnh vực kinh doanh xuất/nhập khẩu thuốc và công bố mỹ phẩm; liên thông, tích hợp 6 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia thuộc lĩnh vực kê khai/kê khai lại giá thuốc và xác nhận thông tin quảng cáo thuốc.
Hiện tại, 100% hồ sơ đăng ký thuốc đã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống trực tuyến, doanh nghiệp không phải chờ nộp hồ sơ bản giấy tại Bộ phận Một cửa. Kết quả cấp, gia hạn, thông tin nguồn nguyên liệu được công khai, minh bạch trên hệ thống dịch vụ công để tất cả tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tra cứu, doanh nghiệp thuận lợi trong thực hiện thủ tục nhập khẩu nguồn nguyên liệu tại cửa khẩu Hải quan.
Đặc biệt, sau khi kết nối cơ chế Hải quan Một cửa (https://vnsw.gov.vn/), từ ngày 1/1/2017 đến nay, Cục Quản lý Dược đã cấp 189.256 số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu; đã tiếp nhận, xử lý 46.601 hồ sơ cấp phép xuất nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Cục trưởng Vũ Tuấn Cường đánh giá: “Chuyển đổi nhận thức theo thời gian đã giúp chuyển đổi môi trường làm việc lên môi trường số. Cụ thể, với việc đã hoàn thành cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tiến tới kết nối 100% các thủ tục với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Ngành Dược đã trở nên “thân thiện” hơn với doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm thời gian, công sức cho các bên, tăng tính công khai minh bạch của thủ tục; tiết kiệm chi phí, trung bình hàng năm khoảng 2-3 tỉ đồng”.
Việc Cục Quản lý Dược cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính; giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, tăng tính công khai, minh bạch, tránh được sự phiền hà, nhũng nhiễu trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ; cắt giảm được nhiều chi phí. Việc quản lý, lưu trữ, bảo quản và truy xuất hồ sơ khi cần thiết tại Cục Quản lý Dược ngày càng thuận tiện.