Tham gia giao thông hàng ngày, chủ phương tiện không tránh khỏi gặp phải những sự cố như nổ lốp, hết ắc quy, hỏng phanh, va chạm… Lúc này, các dịch vụ cứu hộ giao thông trở thành giải pháp cấp bách.
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra gần 22.000 vụ tai nạn giao thông. Trong đó, không ít vụ liên quan đến ô tô, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Trong trường hợp này, dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ được xem là "phao cứu sinh" giúp nhanh chóng giải tỏa hiện trường, giảm thiểu ùn tắc và thiệt hại.
Trong những năm gần đây, chất lượng dịch vụ cứu hộ giao thông đã được cải thiện đáng kể. Các đơn vị đã đầu tư vào trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn của đội viên. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tại một số địa bàn, công tác cứu hộ giao thông vẫn đang tồn tại một số bất cập, từ sự chồng chéo, tự phát của các đơn vị, tình trạng "chặt chém", thiếu trang thiết bị đến quy trình phối hợp chưa thực sự đồng bộ. Hậu quả là không ít vụ việc đơn giản lại bị kéo dài, gây bức xúc dư luận và tiềm ẩn thêm nguy cơ.
Ngoài năng lực của các đơn vị cứu hộ - đặc biệt là các đơn vị tư nhân nhỏ lẻ, đôi khi chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; thì mức giá dịch vụ cứu hộ của một số đơn vị vẫn khiến người dân băn khoăn. Tình trạng "cò mồi", tranh giành cứu hộ hiện trường còn dẫn tới gây mất trật tự, tiềm ẩn nguy hiểm.
Đánh vào tâm lý hoảng loạn, thiếu bình tĩnh của người bị nạn, một số đơn vị cung ứng dịch vụ cứu hộ lợi dụng “ép giá”. Kết hợp với việc không công khai giá cũng đã tạo nhiều kẽ hở cho các hành vi tiêu cực. Hành lang pháp lý chưa rõ ràng, đôi khi dẫn tới vướng mắc về trách nhiệm, kinh phí, xử lý tài sản bị nạn.
Hạ tầng giao thông thời gian qua được nâng cấp ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, giúp giải quyết tình trạng ùn tắc tại một số nút giao trọng yếu, cải thiện tình hình giao thông ở nhiều địa bàn, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng hỗ trợ cứu hộ vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Thiếu điểm tập kết, bãi đỗ xe cứu hộ, phương tiện gặp nạn; hệ thống thông tin liên lạc, giám sát chưa hiện đại… Tình trạng “lô cốt” kéo dài, hệ thống đường bộ không đáp ứng lưu lượng xe lớn cũng khiến nhân viên cứu hộ khó tiếp cận hiện trường. Quy trình phối hợp còn chưa thực sự hiệu quả; xử lý tình huống khẩn cấp còn gặp một số bất cập…
Đã đến lúc nhìn thẳng vào những lỗ hổng này để tìm ra lời giải cho bài toán cứu hộ giao thông, góp phần kiến tạo một dòng chảy giao thông an toàn và thông suốt hơn.
Nút thắt cần tháo gỡ
Thực tế, khi người dân gọi cứu hộ thường là lúc cấp bách, họ gần như không có đủ thời gian và sự bình tĩnh để khảo giá hay biết được nơi nào cung ứng dịch vụ chất lượng tốt hơn để đưa ra sự so sánh, chọn lựa. Do vậy, trước mỗi chuyến đi xa, các tài xế cần cập nhật sẵn các đầu mối gọi cứu hộ tại các địa phương đi qua để phòng tình huống xe gặp rủi ro, tai nạn. Tránh tình trạng bị “chặt chém” về giá cả cũng như vấn đề chất lượng trong công tác cứu hộ.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đưa ra khung giá cơ bản nhằm thống nhất giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Yêu cầu phải kê khai giá dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, kéo phương tiện vi phạm. Việc này được cho là cần thiết để tránh tình trạng loạn giá xe cứu hộ, hoặc "móc nối" để áp đặt giá dịch vụ, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và quy định về quản lý, cấp phép, tiêu chuẩn hoạt động của các đơn vị cứu hộ đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ. Trong đó, phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của từng lực lượng, đơn vị tham gia. Tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho lực lượng cứu hộ để xử lý các tình huống tai nạn phức tạp, đặc biệt là các vụ liên quan đến phương tiện giao thông lớn như xe tải, đảm bảo an toàn hiện trường.
Tăng cường công tác kiểm soát và bảo trì phương tiện. Việc kiểm soát chặt chẽ tình trạng kỹ thuật của các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe tải, sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn và các sự cố liên quan đến phương tiện. Xây dựng trung tâm điều hành cứu hộ tập trung, là đầu mối tiếp nhận, điều phối thông tin và lực lượng. Cần có các quy trình cứu hộ rõ ràng, đồng bộ để đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị liên quan và tối ưu hóa thời gian cứu hộ.
Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi về các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông cũng như cách ứng xử khi xảy ra tai nạn giúp giảm thiểu thiệt hại và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ. Kêu gọi sự chung tay để xây dựng một hệ thống cứu hộ giao thông chuyên nghiệp, hiệu quả, vì sự an toàn và thông suốt của mọi người. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, thiếu trách nhiệm.
Điều 82 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 20 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025) quy định về việc cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ. Theo đó, cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức lực lượng và công cụ, phương tiện nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cứu nạn, cứu hộ.
Căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vụ tai nạn giao thông đường bộ, cơ quan Công an có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền để huy động lực lượng, phương tiện giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an bố trí phương tiện cứu hộ phương tiện bị tai nạn giao thông đường bộ…
Điều 81 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 20 cũng quy định rõ, cơ quan công an khi nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông đường bộ phải tổ chức ngay lực lượng đến hiện trường thực hiện các biện pháp phân luồng đảm bảo giao thông; khắc phục kịp thời các hư hỏng về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gây mất trật tự, an toàn giao thông và các biện pháp khác để giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định.
Việc quy định rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn giao thông đường bộ, cứu hộ, cứu nạn khi tai nạn giao thông xảy ra sẽ giúp các cơ quan, đơn vị này nắm rõ công việc cần thực hiện, nâng cao ý thức trách nhiệm triển khai khi tai nạn xảy ra. Từ đó, giúp công tác cứu hộ, cứu nạn diễn ra được khẩn trương, nhanh chóng, giảm tối đa thiệt hại, thương vong, hậu quả vụ tai nạn giao thông.