Pháp đình

Cựu Phó TGĐ Vạn Thịnh Phát: Mức án đề nghị cho bị cáo quá nghiêm khắc

Minh Đức - Quang Trung 22/03/20 - 13:12

Sáng 22/3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm, các luật sư tiếp tục bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương, cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương trình bày, sau khi lắng nghe các lời khai liên quan đến bị cáo Phương tại tòa, VKS đề nghị 19-20 năm tù về tội tham ô tài sản, với mức hình phạt này quá nặng so với hành vi của bị cáo Phương.

toan-tml.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 22/3/20

Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn về tài chính, bị cáo Phương còn được bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo, giao nhiệm vụ phối hợp với Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Peninsula) và các cá nhân liên quan.

Nhóm người này lên phương án “giải quỹ” đối với số tiền đã được SCB giải ngân vào tài khoản các công ty thụ hưởng tiền, theo phương án vay khống để Trương Mỹ Lan sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Để “giải quỹ”, các bị cáo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống. Trong đó, các Công ty “ma” được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân.

Sau khi ký hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần và chuyển tiền, các cá nhân đến Ngân hàng ký chứng từ rút tiền. Công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục “các khoản phải thu”, không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần.

Mỗi khi cần sử dụng khoản tiền lớn, bị cáo Lan triệu tập HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để tổ chức họp, thống nhất danh sách, số lượng cổ phần và đơn giá cổ phần tham gia hứa chuyển nhượng.

ho-buu-phuong.png
Bị cáo Hồ Bửu Phương

Bị cáo Phương chỉ đưa ý kiến về đơn giá áp cho cổ phần từng công ty trên cơ sở đánh giá thời gian thành lập, quy mô vốn, tài sản hiện có để bị cáo Lan tham khảo và quyết định.

Đến ngày 17/10/2022, còn dư nợ gốc hơn 216.982 tỷ đồng và nợ lãi 99.228 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được rút ra dưới hình thức tạo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống là 190.771,5 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Phương cũng thừa nhận đã sai khi phối hợp với các bị cáo khác thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để “giải quỹ” bằng cách tạo lập các Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đối với các khoản vay tại SCB, gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Phương xin nhận một phần trách nhiệm về mình.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công, vai trò của bị cáo Phương trong hệ thống, quy trình rút tiền từ SCB là hạn chế, mang tính chuyên môn riêng biệt, không như quy buộc của cáo trạng và lời luận tội của VKS.

Phương án “giải quỹ” các khoản vay được SCB giải ngân đã xuất hiện từ trước khi bị cáo Phương giữ chức Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Do đó, bị cáo Phương cũng chỉ làm theo thông lệ có từ trước mà không dự liệu đến tính đúng sai của hoạt động này.

Bị cáo Hồ Bửu Phương không hề biết nguồn gốc các khoản tiền được giao thực hiện giải quỹ là tiền được vay trái pháp luật. Do đó, hành vi giải quỹ chỉ là bước giả cách để tạm thời chuyển tiền chưa có lý do để sử dụng ra khỏi Công ty vay, rồi sau đó thu hồi lại.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công “Về tính chất, mức độ hành vi của bị cáo Hồ Bửu Phương chỉ là một mắc xích nhỏ cuối cùng trong vụ án. Hành vi của bị cáo chỉ dừng lại ở việc áp đơn giá cổ phần chuyển nhượng sau khi tiền đã được giải ngân về cho Công ty vay”.

Các công việc như lên phương án vay vốn, lên phương án giải quỹ, quá trình sử dụng dòng tiền sau khi giải quỹ trên thực tế bị cáo Phương không biết và không tham gia.

Tự bào chữa, bị cáo Phương nói: “Toàn bộ hồ sơ về các khoản vay các công ty ma đều do cấp trên quản lý, do HDQT quản lý, bị cáo không biết. Từ khi bị cáo bị bắt, bị cáo khóc rất nhiều, không biết tại sao lại bị VKS truy tố tội tham ô. Bởi vì hành vi phạm tội của bị cáo không quá quan trọng mà phải nhận mức án quá nghiêm khắc, quá nặng nề. Xin HĐXX xem xét bài bào chữa của 2 luật sư của bị cáo, xem xét lại hình phạt cho bị cáo”.

Trước đó, các luật sư bào chữa cho các bị cáo là cựu lãnh đạo chủ chốt của SCB đều cho rằng mức án mà VKS đề nghị từ 19 năm tù đến tù chung thân là quá nặng. Do đó các luật sư đề nghị tòa xem xét cho các bị cáo một mức án khoan hồng nhất có thể.

truong-khanh-hoang-1-6635-1709694968.jpg
Bị cáo Trương Khánh Hoàng

Trong đó, luật sư của bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) cho rằng, thân chủ bị VKS đề nghị mức án từ 19 - 20 năm tù về tội tham ô tài sản là có phần nghiêm khắc.

Từ năm 2019 - 2021, bị cáo Hoàng biết rõ các khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều trái quy định. Bị cáo này giúp sức cho bị cáo Lan chiếm đoạt hơn 182.000 tỷ đồng, gây thiệt hại cho SCB số nợ lãi phát sinh hơn 65.000 tỷ đồng.

Theo luật sư, bị cáo Hoàng là người làm công ăn lương thì không hưởng bất cứ lợi ích vật chất gì, nếu không thực hiện theo chỉ đạo dễ bị thay thế mất việc. Nhận thức thấy công việc không phù hợp với quy định pháp luật nên bị cáo đã chủ động xin nghỉ việc.

Trong quá trình điều tra, bị cáo Hoàng luôn thành khẩn, ăn năn hối cải, vận động gia đình khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để nêu rõ các dòng tiền đi đâu, nhằm làm sáng tỏ vụ án.

Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) bị đề nghị mức án tù chung thân về tội tham ô tài sản, và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Bị cáo Dũng đã giúp sức tích cực cho bị cáo Lan lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn. Trong đó từ năm 2013 - 2020, bị cáo Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 404 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 187.600 tỷ đồng.

Từ năm 2020 - 2022, bị cáo Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 207 khoản vay, giúp sức tích cực cho bị cáo Lan chiếm đoạt số tiền 104.000 tỷ đồng và gây thiệt hại số tiền 26.330 tỷ đồng.

Luật sư của bị cáo Dũng cũng cho rằng mức án mà VKS đề nghị chưa công bằng với vai trò, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Thiệt hại của bị cáo Dũng gây ra rất thấp so với các bị cáo có vai trò chủ chốt trong SCB. Bị cáo Dũng là người duy nhất trong vụ án ra tự thú.

Tự bào chữa, bị cáo Dũng nói: "Mức án mà VKS luận tội làm cho bị cáo không ngủ được, vợ và mẹ bị cáo đã khóc hết nước mắt. VKS đề nghị phải cách ly vĩnh viễn bị cáo khỏi đời sống xã hội là quá nặng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu Ph TGĐ Vạn Thịnh Phát: Mức án đề nghị cho bị cáo quá nghiêm khắc