Đời sống

Đà Nẵng- Quảng Nam khơi mở hành trình thành phố mới

Trang Trần 25/04/2025 - :07

Tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 25/4, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng lần đầu chia sẻ nhiều thông tin đáng chú ý về lộ trình hợp nhất hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, mở ra viễn cảnh hình thành một thành phố mới với quy mô lớn, giàu tiềm năng và đậm đặc bản sắc văn hóa lịch sử xứ Quảng.

“Sau 27 năm tạm thời chia tay để mỗi người lớn lên thì bây giờ về chung một nhà”, lời chia sẻ của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại buổi tiếp xúc cử tri khiến không ít người xúc động.

Một lần nữa, giấc mơ về sự hội ngộ của hai miền đất gắn bó máu thịt Quảng Nam và Đà Nẵng lại được đặt trên bàn nghị sự, lần này không phải bằng cảm tính hoài niệm mà bằng sự chuẩn bị thực chất, có cơ sở và hướng đến tương lai bền vững.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, khi hai địa phương hợp nhất, thành phố mới sẽ có quy mô rộng khoảng 12.000 km², dân số hơn 3 triệu người, tức gấp gần 10 lần diện tích hiện tại của TP. Đà Nẵng. Điều này không chỉ đưa thành phố mới trở thành một trong những địa phương có diện tích và dân số lớn nhất cả nước mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế xã hội vượt trội, nếu biết tận dụng hiệu quả cơ chế và nguồn lực từ cả hai phía.

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo của hai địa phương đã tổ chức 3 phiên họp để bàn bạc và bước đầu thống nhất phương án, định hướng sắp xếp. Mục tiêu mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh là hoàn thành đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh để báo cáo Trung ương trước ngày 30/4, một cột mốc không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn thể hiện quyết tâm chính trị rất rõ ràng.

25-4-tiepxuc-cutri1.jpg
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng

Không chỉ dừng ở những con số về diện tích hay dân số, ông Nguyễn Văn Quảng khẳng định yếu tố cốt lõi để thành phố mới hình thành không chỉ nằm ở địa giới hành chính mà là sự hòa quyện của văn hóa, lịch sử, tinh thần đoàn kết – vốn là “hồn cốt và sức mạnh” của vùng đất xứ Quảng.

“Nên tôi cho rằng truyền thống lịch sử văn hóa nó đã quyện vào từng con người, từng các cơ chế chính sách của người Quảng Nam- Đà Nẵng rồi”, ông Quảng chia sẻ.

Ở đó, không khó để nhận ra tinh thần thẳng thắn, nghĩa tình và kiên cường – đã thấm vào nếp nghĩ, nếp sống của người dân cả hai địa phương. Cũng chính truyền thống ấy là nền tảng quan trọng để việc hợp nhất không chỉ là một quyết định hành chính mà còn là một hành trình tái lập cộng đồng, dựng xây tương lai.

Điều đáng chú ý là trong quá trình hợp nhất, Đà Nẵng với vai trò đô thị loại I, trung tâm phát triển vùng, đang có nhiều cơ chế chính sách đặc thù, sẽ trở thành “đòn bẩy” cho Quảng Nam – nơi còn nhiều tiềm năng đất đai, du lịch, công nghiệp cùng phát triển.

“Khi Quảng Nam hợp vào thì Quảng Nam cũng sẽ được hưởng cùng với Đà Nẵng cơ chế đặc thù đó. Trong khi Quảng Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển các cơ chế đang xây dựng”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, lãnh đạo hai địa phương đã có sự bàn bạc, thống nhất rất cao về định hướng phát triển chung sau hợp nhất. Những cuộc họp liên tục giữa Ban Chỉ đạo hai bên thời gian qua chính là minh chứng cho sự đồng thuận và thiện chí vì một mục tiêu lớn.

Tuy nhiên, hợp nhất là một câu chuyện nhiều chiều. Và điều kiện tiên quyết, theo ông Quảng là tinh thần đoàn kết. Không chỉ đoàn kết giữa hai bộ máy lãnh đạo, mà còn là sự đồng thuận từ lòng dân – những người trực tiếp sống, làm việc và thụ hưởng các chính sách sau khi địa giới hành chính thay đổi.

25-4-tiepxuc-cutri2.jpg
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri

“Chúng ta có nhiều cơ chế, có nhiều tiềm năng mà không đoàn kết, không dìu nhau lên, không cùng chung một suy nghĩ, mục đích, lý tưởng trong tổ chức triển khai thì tất cả những truyền thống, tiềm năng, lợi thế ấy sẽ rất khó phát huy. Đây là một trong những vấn đề mà khi hợp nhất Trung ương cũng yêu cầu các địa phương phải giải quyết. Và tôi cũng đã báo cáo trước cấp có thẩm quyền, khẳng định là khi Đà Nẵng, Quảng Nam hợp nhất lại thì sẽ giữ vững được các truyền thống, trong đó có truyền thống đoàn kết”, ông Quảng nhấn mạnh.

Dư luận những ngày qua không khỏi bàn luận về chủ trương lớn này. Với người dân Đà Nẵng, thành phố 27 năm tách ra từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, đó là dấu mốc khẳng định vai trò của một đô thị đầu tàu, một “điểm sáng” về quy hoạch, môi trường đầu tư và cải cách hành chính.

Còn với người dân Quảng Nam, nhất là khu vực ven biển, đồng bằng phát triển nhanh như Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành…, việc “về chung một nhà” có thể mở ra cơ hội tiếp cận nhanh hơn với các chính sách phát triển hạ tầng, dịch vụ và giáo dục – y tế chất lượng cao.

Song, không phải ai cũng dễ dàng tiếp nhận sự thay đổi. Hợp nhất không chỉ là niềm vui của những người hoài niệm, mà còn là trách nhiệm giải trình, chuẩn bị kỹ lưỡng về pháp lý, tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý, điều phối ngân sách và cả câu chuyện bản sắc danh xưng vùng miền.

Ở góc nhìn đó, chia sẻ của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng không chỉ là phát biểu chính trị mà còn thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc về tâm thế người dân: “Bản chất Quảng Nam và Đà Nẵng là một”.

Trong từng lời nói ấy, là sự kêu gọi đồng lòng. Không chỉ để thực hiện một chủ trương lớn mà còn để cùng nhau khơi dậy tiềm lực, giữ gìn truyền thống, nâng tầm thành phố nơi mà người dân không còn nhìn nhau như “người Đà Nẵng” hay “người Quảng Nam” mà là những người cùng chia sẻ một mạch nguồn – một bản sắc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đ Nẵng- Quảng Nam khơi mở hnh trình thnh phố mới