Ngày 22/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có cuộc làm việc với UBND TP. Đà Nẵng về triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 20. Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì cuộc làm việc.
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi; đại diện Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo UBND và các Sở, ngành của TP. Đà Nẵng.
Trước đó, Ban Tổ chức đã tổ chức lựa chọn logo, linh vật cho Đại hội và tổ chức Hội nghị Trưởng đoàn của 10 nước tham gia Đại hội tại TP. Đà Nẵng.
Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 20 (Asean School Games 13) dự kiến được tổ chức từ ngày 31/5 đến ngày 9/6/20 tại TP. Đà Nẵng. Đây lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này, lần trước đó là vào năm 2013.
Các vận động viên (VĐV) tranh tài ở 6 môn gồm: Bơi, bóng rổ, cầu lông, điền kinh, pencak - silat và vovinam. Đây là những môn thể thao phổ biến, thu hút đông học sinh tại các trường học Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á tập luyện, thi đấu. Kết thúc đại hội, ban tổ chức trao 107 bộ huy chương cho các VĐV xuất sắc ở từng nội dung thi đấu và trao giải toàn đoàn.
Theo Ban Tổ chức, dự kiến sẽ có khoảng 1.500 VĐV, huấn luyện viên, đại biểu đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam tham dự sự kiện. Tổng số nhân lực tham gia và tổ chức sự kiện hơn 3.000 người.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, đây là lần đầu tiên Đà Nẵng đăng cai tổ chức sự kiện này, hiện thành phố đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị và sẽ tiếp tục rà soát từng đầu việc, phân công cụ thể. TP. Đà Nẵng sẵn sàng bằng tình cảm, trách nhiệm, với quyết tâm cao nhất để Đại hội thành công tốt đẹp.
Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ GDĐT, đại diện UBND TP. Đà Nẵng và các Bộ, ngành đã báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức cho Đại hội đến thời điểm hiện tại và những việc tiếp tục triển khai trong thời gian tới để đảm bảo các điều kiện tổ chức.
Từ nay đến khi diễn ra Đại hội, Ban Tổ chức sẽ tiếp tục hoàn thiện việc nâng cấp, tu sửa các công trình thể thao phục vụ hoạt động của Đại hội. Tiếp tục chuẩn bị các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tổ chức thi đấu các môn của Đại hội cũng như việc lưu trú, địa điểm tham quan du lịch tại TP. Đà Nẵng để đón tiếp đoàn thể thao các nước, du khách, góp phần vào thành công của Đại hội.
Đà Nẵng đã chủ động xây dựng các phương án để chủ động trong việc tổ chức lưu trú đối với các đoàn vận động viên tham dự đại hội.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh, đây là Đại hội của học sinh nên mục đích không chỉ là thi đấu mà là giao lưu, học hỏi, tăng cường hữu nghị và là dịp quảng bá đất nước, con người Việt Nam, TP. Đà Nẵng, do đó các hoạt động khai mạc, bế mạc, công tác tổ chức, các hoạt động trong Đại hội cần nhấn mạnh tinh thần hữu nghị, giao lưu.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, mặc dù quy mô Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á không quá lớn nhưng là hoạt động mang tính quốc tế, thể hiện quan điểm ngoại giao của Việt Nam với các nước trong khu vực nên đây là sự kiện quan trọng.
Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng đề nghị Sở GDĐT TP. Đà Nẵng cần tổ chức các cuộc giao lưu giữa học sinh các nước tham gia Đại hội thể thao lần này với học sinh Việt Nam nhằm tạo sân chơi bổ ích, trao đổi kinh nghiệm, học thuật, thể thao, ngoại giao, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa các nước Đông Nam Á…
Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để chuẩn bị cho đại hội, các bộ, ngành liên quan và TP. Đà Nẵng đã vào cuộc rất có tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, khác với các đại hội thể thao từng diễn ra, đối tượng tham gia lần này là học sinh nên công tác an ninh, an toàn phải thật sự nghiêm ngặt. Đại hội diễn ra trong thời điểm TP. Đà Nẵng có những sự kiện quan trọng như: Lễ hội pháo hoa quốc tế, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 20, thi tuyển sinh lớp 10… nên đặt ra nhiều thách thức.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cảm ơn Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng, các Bộ, ngành đã phối hợp ủng hộ, sẵn sàng phối hợp với Bộ GDĐT để Đại hội tổ chức tốt nhất, Bộ trưởng mong muốn với tinh thần chia sẻ, trách nhiệm, TP. Đà Nẵng và các Bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ với Bộ GDĐT trong khâu tổ chức.
Về một số việc trước mắt, Bộ trưởng lưu ý Ban Tổ chức sớm hoàn thiện kịch bản chi tiết của từng nhiệm vụ, tránh để bị động. Các nội dung chương trình khai mạc, bế mạc tinh thần chung đơn giản, không quá cầu kỳ, mang tinh thần chào đón của Việt Nam, của TP. Đà Nẵng và phù hợp với tính phong trào, lứa tuổi của học sinh.
Đối với kế hoạch luyện tập, tổ chức vận động viên của đoàn Việt Nam tham dự Đại hội được giao cho Tổng Cục Thể dục Thể thao chủ trì, Bộ trưởng lưu ý, không đặt nặng thành tích mà mang tinh thần phong trào, động viên, khuyến khích được tinh thần thể thao của học sinh trong trường học; do đó, việc luyện tập không nên quá căng thẳng, ảnh hưởng tới học tập của học sinh.
Hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được TP. Đà Nẵng cải tạo nâng cấp, chỉnh trang, Bộ trưởng mong rằng, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo sớm hoàn tất công việc chuẩn bị. Cùng với đó là chuẩn bị công tác hậu cần, địa điểm lưu trú, tham quan du lịch, huy động nhân lực tình nguyện viên, bố trí khách sạn, ăn uống, y tế… Mọi khâu, mọi việc đều có kịch bản dự phòng.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn được xác định là rất quan trọng, do đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị được giao nhiệm vụ trong Ban Tổ chức thuộc Bộ Công an sẽ phối hợp với Công an TP. Đà Nẵng để triển khai công tác này chủ động, kịp thời, đảm bảo tốt nhất an ninh, an toàn cho sự kiện.
Sau cuộc làm việc, Đoàn công tác Bộ GDĐT và UBND TP. Đà Nẵng đã trực tiếp kiểm tra cơ sở vật chất cho Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13.