Đó là một trong những nội dung quan trọng mà Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh thành phố sẽ thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2023.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 17/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: Tập trung triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng để tạo “quỹ đất sạch” cho nhà đầu tư sớm thực hiện các dự án…
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 3,74% so với cùng kỳ 2022; vượt quy mô của 6 tháng đầu năm 2019 (thời điểm trước Covid-19) hơn 13.000 tỷ đồng theo giá hiện hành và hơn 4.000 tỷ đồng theo giá so sánh 2010, tăng 13,5% so với 6 tháng năm 2019. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 6,2% trong cơ cấu GRDP) ước tăng 32,8%.
Giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi (chiếm 11% trong cơ cấu GRDP) tăng 12,3%; giá trị tăng thêm ngành thông tin và truyền thông (chiếm 6,7% trong cơ cấu GRDP) ước tăng 2,2%; giá trị tăng thêm ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (chiếm 5,8% trong cơ cấu GRDP) ước tăng 7% so với cùng kỳ 2022.
Về lĩnh vực xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, tính đến ngày 30-6-2023, thành phố đã cấp mới và điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 38.881,636 tỷ đồng; thu hút 27,341 triệu USD vốn đầu tư FDI, trong đó cấp mới 67 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 20 dự án; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.228 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký 9.446,12 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đánh giá kinh tế thành phố vẫn còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài khiến đơn hàng sản xuất giảm, tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công thấp, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp thực tế vẫn khó khăn.
Bên cạnh đó, một số dự án vướng mắc pháp lý đất đai theo các kết luận thanh tra, bản án chờ được tháo gỡ; một số dự án chưa phù hợp với quy hoạch phân khu hiện có, phải chờ điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xong Bộ Xây dựng mới phê duyệt thiết kế cơ sở.
Ngoài ra, hiện nguồn quỹ đất lớn của thành phố khá hạn chế, dự án lớn chưa nhiều, chủ yếu thu hút vào Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin, tuy nhiên hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa có nhiều giải pháp tích cực để thu hút nhà đầu tư; quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp hạn chế; quỹ đất sạch nằm ngoài các khu công nghiệp hiện có sẵn nhưng ít dự án đủ các điều kiện theo quy định để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư triển khai các dự án…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, nhằm chủ động tháo gỡ khó khăn, thành phố sẽ chủ động tìm giải pháp; đồng thời tiếp tục rà soát, kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trên địa bàn thành phố theo kế hoạch của UBND thành phố triển khai thực hiện chủ đề năm 2023 “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh: "Thành phố sẽ tập trung triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của thành phố. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa để bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện để đẩy nhanh việc hoàn thành các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố; tạo “quỹ đất sạch” cho nhà đầu tư sớm thực hiện các dự án tại địa phương".
Đồng thời, sẽ hoàn chỉnh hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 7/2023.