Phóng sự - Ghi chép

Đặc sắc phong tục đón Tết của ngư dân vùng biển Nghệ An

Gia Ân-Thanh Toàn 10/02/20 - 10:43

Với những người con vùng biển ở Nghệ An, cuộc sống gắn bó với biển cả, sông nước đã hình thành nên nét văn hóa độc đáo, tín ngưỡng riêng. Theo đó, cách đón Tết và vui xuân của người dân nơi đây cũng rất khác biệt.

Tín ngưỡng thờ thần trở thành phong tục riêng của người dân miền biển

Đối với những ngư dân, sau những chuyến đánh bắt xa bờ trở về nặng đầy sản vật, họ lại cùng nhau sống trong những phút giây lắng đọng, thiêng liêng trước lễ cúng tế thần biển, thần sông – những vị thần tồn tại muôn đời trong tín ngưỡng của họ.

a2..jpg
Vào tháng Giêng hàng năm, ngư dân Quỳnh Lưu tổ chức lễ hội cầu ngư để mong mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều hải sản

Thói quen tâm linh, tín ngưỡng thờ thần đã trở thành một phong tục, nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người dân vùng cửa biển. Đặc biệt, khi Tết đến Xuân về, những người dân vùng biển sẽ lại cùng nhau thành kính chuẩn bị những phẩm vật dâng lên các vị thần sông. Đối với họ, đó là dịp để thể hiện lòng thành kính của mình với tổ tiên, với đất trời và sum vầy bên nhau chào đón năm mới.

Tuy nhiên, với mỗi vùng, ngư dân sẽ thờ riêng một vị thần biển. Đối với người dân vùng biển Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An) họ sẽ thờ thần tại Đền Thơi. Đền được ngư dân xây dựng ngay sát cửa lạch Thơi nhìn ra biển. Đây là nơi chứng kiến cảnh vào ra tấp nập của tàu thuyền đánh cá của ngư dân địa phương. Hiện nay, đền đang lưu giữ kiến trúc tinh xảo và mang đậm nét văn hóa làng biển.

Theo ông Hoàng Văn Đường – một bậc cao niên ở xã Sơn Hải cho biết: “Trước đây, đền được xây dựng để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của các vị thần biển và cửa sông đã phù hộ, độ trì, giúp triều đại nhà Trần vượt biển bình an, đánh thắng giặc Chiêm Thành, Vua Trần Anh Tông đã cho xây dựng đền Cờn.

a5.jpg
Giải đua thuyền truyền thống của ngư dân vùng biển

Sau đó, người dân tại các vùng cửa biển Quỳnh Lưu, trong đó có vùng Lạch Thơi, xã Sơn Hải cũng lập đền ngay tại cửa lạch Thơi để thờ vọng các vị thần trông coi sông nước và Tứ vị Thánh nương chuyên phù hộ cho nhân dân làm ăn thịnh vượng, vượt biển bình an…”.

Tất cả ngư dân trước đây đi qua đó đều phải đốt vàng, thể hiện tâm linh linh thiêng trên tinh thần các ông bề trên phù hộ độ trì cho đi biển đánh bắt được nhiều tôm cá và an toàn mọi sự.

Thể hiện ý thức tri ân và khát vọng no đủ, thanh bình của ngư dân

Hiện nay, đền Thơi trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu. Cứ mỗi dịp đầu xuân năm mới, đông đảo người dân trong vùng lại đến dâng hương và lễ vật để tạ ơn thần sông, thần biển. Đặc biệt, vào đêm 30 Tết, trong thời khắc thiêng liêng của trời đất giao hòa, bà con lại cùng nhau ra bến làm lễ dời sào cho các phương tiện đánh bắt với niềm hy vọng một năm mới thêm nhiều may mắn.

a3.jpg
Phong tục độc đáo ở vùng biển đã thể hiện đựợc ý thức tri ân và khát vọng no đủ, thanh bình của ngư dân

Ngoài ra, ngư dân còn chuẩn bị chu đáo mâm cỗ, tấu sớ, hương đăng phẩm vật đến cúng ở đền Thơi để cầu may mắn, đánh bắt được mùa.

Ngoài việc đi lễ đền Thơi, người dân vùng biển Sơn Hải còn tổ chức Lễ cầu ngư ra quân đánh bắt đầu năm mới tại bến cá và trong các đền chùa ở địa phương để giúp họ có một năm làm ăn thuận lợi, đi biển bình yên. Tùy vào từng địa phương mà Lễ cầu ngư được tổ chức vào các ngày khác nhau, từ những ngày đầu năm đến hết tháng Giêng.

Mặc dù lễ vật không cầu kì nhưng nghi thức được tổ chức trang trọng. Trong không khí linh thiêng, thành kính, ngư dân cúng tạ gà, lợn, trái cây để cảm ơn đất trời, thần biển.

Ông Trần Văn Nguyện – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An) cho biết: “Lễ hội cầu ngư của địa phương được tổ chức vào ngày mồng 2 tháng Giêng. Gồm 2 phần: Phần lễ gồm Lễ Yết cáo Tổ tiên Tiền hiền tại Đền thờ Cá Ông ở thôn Đại Bắc, cầu nguyện một năm mới mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, quốc thái dân an, dân làng bội thu về tôm cá.

a.jpg
Sau chuyến biển cuối năm, ngư dân đưa tàu về bến chuẩn bị đón Tết

Phần hội là giải đua thuyền truyền thống với 8 đội đua đại diện cho 8 thôn trong toàn xã. Mỗi lần đua có 2 đội cùng tranh tài theo thể thức loại trực tiếp trên quãng chiều dài mặt nước 400m. Hàng năm, lễ hội này thu hút rất đông người dân đến xem và cổ vũ”.

Qua các phong tục độc đáo ở vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã thể hiện đựợc ý thức tri ân và khát vọng no đủ, thanh bình của ngư dân. Những nét sinh hoạt truyền thống tốt đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh đã làm cho không khí vui xuân đón Tết của bà con vùng biển thêm vui tươi, giàu ý nghĩa, giúp họ yên tâm bám biển, vươn khơi, phấn đấu đạt tổng sản lượng khai thác hải sản lên 75 ngàn tấn trong năm mới 20.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc phong tục đn Tết của ngư dân v ng biển Nghệ An