Chính trị

Đại án chuyến bay giải cứu là sự kiện đau xót

Duy Tuấn 18/03/20 - 17:31

Đại án chuyến bay giải cứu là sự kiện rất đau xót, sau sự việc, ngành ngoại giao đã rất nghiêm túc kiểm điểm, rút ra một số biện pháp kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Khẳng định này được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề cập khi đại biểu quốc hội chất vấn về công tác phòng chống tham nhũng.

Quán triệt rõ tinh thần phụng sự và phục vụ người dân

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian vừa qua, nhiều cán bộ ngành ngoại giao vi phạm pháp luật trong đại án chuyến bay giải cứu công dân trong đại dịch Covid-19, “phải chăng đây là phần nổi của tảng bằng chìm” của ngành ngoại giao. Bộ trưởng có ý kiến gì và có biện pháp gì để ngăn chặn những tiêu cực trong nội bộ ngành để lấy lại uy tín và hình ảnh trước nhân dân cũng như bạn bè quốc tế?

bng2.jpeg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết “đây là sự kiện rất đau xót”. Ngành ngoại giao truyền thống 80 năm, sau sự việc đã rất nghiêm túc kiểm điểm, rút ra một số biện pháp, đã và sẽ tiếp tục làm, kiên quyết, kiên trì làm. Trong đó có biện pháp tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng.

“Ngành ngoại giao là ngành ở bên ngoài, tác chiến độc lập, không giữ được bản lĩnh, không giữ được phẩm chất đạo đức thì không triển khai được. Chúng tôi kiên định về vấn đề này, sẽ đề cao tính gương mẫu, trách nhiệm người đứng đầu. Quán triệt rõ tinh thần phụng sự và phục vụ người dân, lấy người dân làm trung tâm. Đẩy mạnh đào tạo đạo đức công chức. Công khai minh bạch quy chế, quy trình, đặc biệt với lĩnh vực hay để xảy ra tiêu cực. Trong đó lấy công tác lãnh sự và bảo hộ công dân làm nhiệm vụ trọng tâm. Mong Quốc hội tiếp tục theo dõi và phản ánh. Hiện Bộ đã xây dựng 76/80 quy trình cấp Bộ, hơn 100 quy trình liên quan đến công tác lãnh sự, sẽ công khai và đưa công tác này đi vào nề nếp”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói.

hoangducthang.jpeg
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.

Bên cạnh đó cũng đề nghị nâng cao sinh hoạt phí cho đội ngũ lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng quy trình, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ trong các cơ quan đại diện. Đồng thời làm tốt công tác kê khai tài sản, thu nhập.

Nâng cấp, mở rộng cửa khẩu

Chất vấn Bộ trưởng, Đại biểu Vũ Hồng Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các quy hoạch các cửa khẩu trên từng tuyến biên giới đất liền thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các công việc cần thiết để triển khai quy hoạch trên?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết quy hoạch và phát triển cửa khẩu kinh tế là định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo được củng cố quốc phòng, an ninh đồng thời tạo cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.

vuthiluyen.jpeg
Đại biểu Vũ Hồng Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên.

Thời gian qua, hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về quy mô, tính chất và cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân giao lưu, thông thương hàng hóa.

"Trong gian đoạn mới, nâng tầm quan hệ và nâng cấp quan hệ, làm sâu sắc hơn quan hệ với nước láng giềng thì việc nâng cấp cửa khẩu, mở rộng cửa khẩu... là nhiệm vụ rất quan trọng không phải chỉ của các cơ quan Trung ương và của các địa phương"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

bng223.jpeg
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương, phối hợp với các địa phương để khảo sát, đánh giá, triển khai theo lộ trình từng cặp cửa khẩu mới, nâng cấp sang những loại hình mới như cửa khẩu thông minh. Do đó, phải phối hợp các bộ, ngành , đồng thời trao đổi với phía đối tác, nhất là 3 nước láng giềng để thống nhất triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại án chuyến bay giải cứu l sự kiện đau xt