Chính trị

Đảm bảo tài sản của cơ quan, đơn vị được xử lý hợp lý sau sáp nhập

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 14/02/2025 - 14:41

Đại biểu Quốc hội cho rằng, các Nghị định hiện có về xử lý tài sản của cơ quan, đơn vị sau sáp nhập vẫn chưa thể bao quát hết. Do vậy, cần tính toán để đảm bảo tài sản được xử lý hợp lý, làm rõ trách nhiệm.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng nay (14/2), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

d2(1).jpeg
Toàn cảnh kỳ họp.

Góp ý thêm về vấn đề xử lý tài sản sau khi đơn vị thực hiện sáp nhập, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức- Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. HCM nêu thực tế, khi thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện đã có những vướng mắc. Các Nghị định hiện có về xử lý tài sản của cơ quan đơn vị sau sáp nhập vẫn chưa thể bao quát hết. Do vậy, cần tính toán để đảm bảo tài sản được xử lý hợp lý, làm rõ trách nhiệm.

"Ví dụ tài sản hình thành trong tương lai, nằm trong các đề án, dự án mà chủ đầu tư là các cơ quan chịu sự sáp nhập, trong quá trình thực hiện sẽ có những vấn đề phát sinh như chậm thời gian, đội vốn, kéo dài... buộc phải xử lý, thì trách nhiệm đặt ra thuộc về đơn vị nào? Ngoài ra, hiện nay một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có những dự án thực hiện đấu thầu quốc tế, sau sáp nhập đổi tên thì tính toán thế nào? Đề nghị có quy định về nội dung này để nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm", đại biểu Đức nêu tình huống.

d1(1).jpeg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Đức- Đoàn ĐBQH TP. HCM.

Đặc biệt, theo đại biểu, liên quan quy định xử lý cơ cấu tổ chức và con người bị tác động sau sáp nhập, hiện có Nghị định 177, 178, Thông tư 01/2025 về vấn đề giải quyết chế độ cho những người có nguyện vọng về hưu để thực hiện cuộc sắp xếp.

d4(1).jpeg
Các đại biểu tham dự kỳ họp.

“Tuy nhiên, trường hợp người lao động trong những cơ quan bị sáp nhập, kết thúc hoạt động không đủ điều kiện trong các nghị định, thông tư hướng dẫn trên, cần tính toán thế nào? Đề nghị quy định thêm về quyền của những người này trước sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy ", đại biểu Đức đề xuất.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo nghị quyết chỉ quy định nguyên tắc chung để xử lý vấn đề khi sắp xếp tổ chức bộ máy, không quy định về trình tự, thủ tục, chế tài. Những vấn đề đã rõ và không có vướng mắc, sẽ tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành. Với những vướng mắc phát sinh, sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý.

d3(1).jpeg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Theo Bộ trưởng, việc sắp xếp bộ máy có phạm vi rộng nên chưa thể lường hết được những vấn đề phát sinh. Vì vậy, nghị quyết cho phép Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND và người có thẩm quyền được phép xử lý các vấn đề phát sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo ti sản của cơ quan, đơn vị được xử lý hợp lý sau sáp nhập