Chính trị

Đảm bảo tính thống nhất khi ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Quốc Huy 11/08/2023 14:31

Sáng nay 11/8,  Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp. Thượng tướng Trần Quang Phương – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo phiên họp.

110820231013-dsc_9374.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trên cơ sở 144 ý kiến của các ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bước đầu đối với dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi tiếp thu, chỉnh lý đảm bảo giữ nguyên 4 nhóm chính sách điều chỉnh trong dự án Luật đã được Chính phủ nhất trí thông qua trình Quốc hội. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 34 Điều (tăng 3 Điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 5).

Theo đó, đã bổ sung 1 Điều về giải thích từ ngữ; tách Điều 13 về bố trí lực lượng, thẩm tra hồ sơ, bầu Tổ viên, chức danh công nhận chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thành 3 Điều cho phù hợp với kỹ thuật. Cụ thể thành Điều 14: Bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Điều : Tuyển chọn Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và Điều 16: Chức danh, công nhận chức danh, nhiệm vụ của chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Báo cáo dự thảo Kết quả dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Đại tá Vũ Huy Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng mà không mở rộng đối với tất cả các thành phần khác hiện có ở cơ sở được thể hiện thống nhất trong nội dung dự thảo luật là phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật.

110820231033-dsc_9230.jpg
Đại tá Vũ Huy Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh trình bày Báo cáo dự thảo Kết quả dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Việc kiện toàn các lực lượng trên thành một lực lượng thống nhất sẽ đảm bảo tính khả thi và tính hiệu quả, góp phần tinh gọn đầu mối, tập trung nhiệm vụ bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự thực sự hiệu quả. Đây là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có tính chất là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng báo cáo, tiếp thu, làm rõ ý kiến của các ĐBQH về tiêu chuẩn tuyển chọn, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; công tác đảm bảo cho hoạt động của lực lượng này…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đề nghị xem xét cân nhắc việc gắn nhiệm kỳ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với nhiệm kỳ của cấp cơ sở. Đồng thời cần quy định rõ nguồn ngân sách để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cần bám sát Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 5.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, UBTVQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên yêu cầu Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Chính phủ báo cáo, giải trình rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn; sự phù hợp với đường lối, với Hiến pháp, nhất là quyền con người, bảo đảm quyền con người, quyền công dân;

Đặc biệt, phải đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi với mục tiêu để phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời nghiên cứu chỉnh lý, giải trình rõ tên gọi của Luật cho phù hợp với Hiến pháp và các Luật liên quan.  

Theo quy định của Luật Công an nhân dân thì Công an là lực lượng vũ trang nhân dân có vai trò làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự ngoài lực lượng nòng cốt là công an thì còn có các lực lượng hỗ trợ công an như: Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng, gọi chung là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Do vậy, phải quy định, giải trình rõ vị trí, chức năng của lực lượng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo tính thống nhất khi ban hnh Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở