Chiều 3/7, Ban Tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần II (DANAFF 2) tổ chức chương trình Giao lưu gặp gỡ nghệ sĩ và phóng viên báo chí. Đây là dịp để các nhà làm phim chia sẻ nhiều hơn về bộ phim, những bí mật thú vị phía sau hậu trường nhiều hơn là những ý nghĩa với riêng họ khi bắt tay vào dự án.
“DANAFF - Nhịp cầu châu Á”, Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng lần thứ II là một sự kiện văn hóa để tôn vinh, biểu dương những nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn, các công ty, các nhà sản xuất phim đã vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực lao động nghệ thuật sáng tạo, đóng góp tích cực nhằm gìn giữ và phát triển nền điện ảnh dân tộc;
Là dịp vinh danh những tác phẩm điện ảnh có giá trị giáo dục, giải trí, thẩm mỹ, nhân văn; là diễn đàn trao đổi nghề nghiệp giữa các nhà điện ảnh chuyên nghiệp trong và ngoài nước nhằm xúc tiến, hợp tác sản xuất, thúc đẩy nền điện ảnh Đà Nẵng, Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế vững chắc, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam và TP. Đà Nẵng an toàn, thân thiện, mến khách, điểm đến được yêu thích hàng đầu châu Á.
Chương trình Giao lưu gặp gỡ báo chí mong muốn tạo ra cầu nối, rút ngắn khoảng cách giữa đoàn làm phim với báo chí & khán giả. Cũng là dịp để các nhà làm phim đã có dịp chia sẻ nhiều hơn về bộ phim, những bí mật thú vị phía sau hậu trường và nhiều hơn là những ý nghĩa với riêng họ khi bắt tay vào dự án.
Chương trình có 11 đoàn ra mắt phim, gồm: Tuổi thanh xuân (Hàn Quốc); Bên trong vỏ kén vàng (Việt Nam); Cậu bé lạ kỳ (Úc); Lật mặt 7: Một điều ước (Việt Nam); Đào, Phở và Piano (Việt Nam); Người bảo vệ danh dự (Philippines); Muôn vị nhân gian (Việt Nam); Người mẹ/Đường đến hòa bình (Việt Nam); Wolfoo và hòn đảo kì bí (Việt Nam); Kẻ ăn hồn (Việt Nam).
Trong số đó, “Đào, Phở và Piano” là bộ phim về đề tài lịch sử, kể câu chuyện tình của anh dân quân tự vệ và cô tiểu thư xinh đẹp Hà thành, họ tìm được nhau trong thời chiến loạn lạc, nhưng họ chỉ có 10 tiếng đồng hồ để sống và yêu. “Đào, Phở và Piano” đã thu hút được đông đảo khán giả Việt Nam quan tâm, đặc biệt là các bạn khán giả trẻ.
Tham gia buổi gặp gỡ, Đạo diễn NSƯT Phi Tiến Sơn và 2 diễn viên chính là Doãn Quốc Đam, Cao Thị Thùy Linh đã có những chia sẻ thú vị cùng khán giả và phóng viên báo chí sau thành công có thể nói là “ngoài sức tưởng tượng” của bộ phim.
Các đoàn làm phim tham dự Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ II ở nhiều hạng mục như Phim châu Á dự thi, Phim Việt Nam dự thi, Chương trình điện ảnh Việt Nam hôm nay, Chùm phim về Đà Nẵng, Tiêu điểm Điện ảnh Pháp.
Buổi Giao lưu gặp gỡ báo chí bên cạnh sự tham dự của các đoàn phim Việt Nam và nước ngoài, còn có sự góp mặt của hơn 20 phóng viên Việt Nam tham dự.
Trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần II, sáng nay (3/7), UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức Hội thảo “Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam”. Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia nền điện ảnh Pháp và Việt Nam tham dự.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Trưởng ban Tổ chức DANAFF 20 Trần Chí Cường chia sẻ, Trong lịch sử giao lưu văn hóa Pháp - Việt lâu dài, điện ảnh Pháp và điện ảnh Việt Nam luôn có những mối quan hệ chặt chẽ, nhiều ý nghĩa. Nhiều phim Pháp với công nghệ, văn hóa làm phim Pháp đã được thực hiện ở Việt Nam từ rất sớm.
Nhiều đạo diễn Việt Nam (hoặc đạo diễn người Pháp gốc Việt) tham gia và được vinh danh tại các liên hoan phim lớn của Pháp nói riêng, châu Âu nói chung, như Trần Anh Hùng, Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Phạm Nhuệ Giang, Trần Phương Thảo...
“Với những kinh nghiệm và thành tựu nêu trên, chúng tôi mong muốn Hội thảo hôm nay sẽ bàn luận về những điểm “cốt lõi, nổi bật” nhất của điện ảnh Pháp, cùng những ảnh hưởng của nó đến điện ảnh Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay. Qua đó cùng trao đổi, học hỏi về những kinh nghiệm thành công của điện ảnh Pháp và rút ra những bài học kinh nghiệm cho điện ảnh Việt Nam vốn đang nỗ lực phát triển theo các chiều hướng đa dạng và có tính quốc tế hóa”, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường nói.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường hy vọng, hội thảo là dịp để các nghệ sỹ, nhà làm phim Việt Nam cùng trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm sản xuất, phát hành phim, các vấn đề về kỹ xảo điện ảnh, hậu kỳ; đồng thời giới thiệu hoạt động kinh doanh nhằm tìm ra nhu cầu, lĩnh vực hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và Pháp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu thảo luận trong hai phiên. Phiên 1: Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam; Phiên 2: Giao lưu, hợp tác điện ảnh Pháp-Việt: những vấn đề liên ngành và liên văn hóa, với nhiều chủ đề như: Điện ảnh Pháp, điện ảnh Việt Nam, góc nhìn từ hai phía; Điện ảnh Pháp về đề tài Việt Nam - những cuộc trở về ký ức;
Sản xuất phim nghệ thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa: kinh nghiệm của Pháp và những gợi ý cho điện ảnh Việt Nam; những ảnh hưởng của điện ảnh “Làn sóng mới” Pháp; phong cách phim Varan (dòng phim được làm theo phong cách điện ảnh trực tiếp) và những ảnh hưởng từ điện ảnh tài liệu Pháp đến điện ảnh tài liệu Việt Nam...