Việc giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở không chỉ giúp học sinh hiểu rõ về ngành, nghề đào tạo, bối cảnh thị trường lao động, mà còn tạo nền tảng để các em lựa chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai.
Đổi mới hình thức hướng nghiệp
Chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh với chủ đề “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” do Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM tổ chức nhằm triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác hướng nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích của đội viên, học sinh.
Từ đó, giúp các em trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi trực tiếp cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp.
Đây cũng là một trong những nội dung sinh hoạt hè do Thành đoàn và Hội Đồng đội Thành phố triển khai.
Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 7 kỳ hướng nghiệp cho học sinh THCS, chủ yếu là khối 8, lớp 9.
Trong đó, năm 2023, chương trình hướng nghiệp đã đến với 900 học sinh ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn và TP Thủ Đức.
Từ đầu năm 20 đến nay, trung tâm đã phối hợp tổ chức 4 kỳ hướng nghiệp ở quận 1, quận 8, quận 11 và huyện Củ Chi cho 1.200 học sinh.
Để thu hút sự tham gia của các em, trung tâm đã có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức, thay vì chia sẻ lý thuyết khô khan, các em học sinh được tham gia nhiều trò chơi liên quan đến từng ngành, nhóm ngành như trò chơi nhìn hình đoán nghề, nhìn cử chỉ đoán nghề, nêu công việc của từng nghề...
Hình thức tổ chức sinh động này đã tạo được hiệu quả cho việc hướng nghiệp trong tình hình mới.
Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều chương trình hướng nghiệp ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Học sinh cần gì ở chương trình hướng nghiệp?
Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS là một trong những nội dung nằm trong chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM ban hành.
Tuy nhiên, để hoạt động hướng nghiệp mang lại hiệu quả cao cần lưu ý đến nhiều yếu tố.
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM đã có nhiều chia sẻ xoay quanh việc hướng nghiệp cho học sinh THCS.
Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, 5 vấn đề trọng tâm, học sinh mong muốn được hướng nghiệp, đó là: Ngành nghề, xu hướng việc làm của thị trường lao động; định hướng về sở thích, sở trường nghề nghiệp; các quy định thi tuyển, xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực học và điều kiện kinh tế gia đình; giới thiệu về các trường, quy mô, năng lực và ngành đào tạo, chuẩn đầu ra, khả năng việc làm sau khi tốt nghiệp.
Ông Tuấn nhìn nhận, những năm gần đây, một hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS nhận được nhiều sự quan tâm và hưởng ứng của xã hội đó là chương trình học Trung cấp hoặc 9+ cao đẳng kết hợp học văn hóa THPT.
“Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng nghề cho học sinh, giúp các em tìm được nghề yêu thích, tạo động lực theo đuổi đam mê, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc cho gia đình, xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng tăng thì kỹ năng tay nghề, năng lực làm việc mới là tiêu chí quan trọng nhất khi tuyển dụng nhân sự”, ông Tuấn nói.
Chuyên gia Trần Anh Tuấn cho rằng, để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả cao phải có sự kết hợp đồng bộ của 8 nhóm đối tượng: Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo và lao động – việc làm; Các Hiệp Hội ngành nghề, Hiệp Hội doanh nghiêp, các đoàn thể; Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; Các doạnh nghiệp, tổ chức sử đụng lao động; Các cơ quan nghiên cứu nhân lực dự báo nhu cầu, thông tin thị trường lao động, cung ứng việc làm; Các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở; Cơ quan báo chí và truyền thông; Phụ huynh và học sinh.
“Việc giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS không chỉ giúp học sinh hiểu rõ về ngành, nghề đào tạo, bối cảnh thị trường lao động mà còn tạo nền tảng để các em lựa chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Vị này cũng lưu ý đến một số vấn đề trong hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THCS. Thứ nhất, cần định hướng sự chú ý của học sinh vào những ngành nghề kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước cần phát triển.
Cạnh đó, kích thích sự hứng thú của học sinh tìm hiểu và theo học các ngành, nghề của địa phương, xã hội đang cần; giúp học sinh tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực phù hợp.
Ngoài ra, cần chủ động tham khảo thông tin về thị trường lao động để tiếp nhận một cách đa chiều.
Học những gì mà xã hội cần
Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, để phù hợp thị trường lao động trong bối cảnh công nghiệp 4.0 và hội nhập, người lao động phải đảm bảo 6 điều kiện chất lượng nghề nghiệp, như năng lực nghề nghiệp (am hiểu và ứng dụng nghề, thích ứng môi trường làm việc, dễ đào tạo nâng cao...); kỹ năng đặc biệt kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và hài hòa áp lực công việc; kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; hiểu và ứng dụng thiết bị công nghệ bao gồm công nghệ thông tin; sử dụng tốt 1 ngoại ngữ; hiểu biết cụ thể về thị trường và pháp luật bao gồm pháp luật lao động.
Ông Tuấn nhận định, những dự báo về thị trường lao động cho thấy, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi CMCN 4.0.
Các nhân tố khoa học - công nghệ được nhận định sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, do đó nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn như hợp tác, đánh giá, quản lý, sáng tạo, ra quyết định…
Vì thế, những lao động giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ và có khả năng thích nghi tốt với môi trường làm việc biến động không ngừng sẽ được đánh giá cao.
Ông Tuấn khuyên các bạn trẻ hãy học những gì mà xã hội cần và phù hợp với năng lực, sở thích của mình…
Theo ông, sự thành công sẽ đến với những người biết chọn ngành, nghề, cấp bậc học phù hợp.
“Mỗi người phải tạo được giá trị hành nghề, giá trị năng lực, yếu tố quyết định thành công trong thị trường lao động, phải làm sao đưa bằng cấp mình học tập trở thành kỹ năng nghề nghiệp. Đừng hiểu sai giữa bằng cấp và nghề nghiệp, đừng hiểu sai giữa bằng cấp và giá trị thị trường lao động. Đó là hai yếu tố kết hợp, hòa quyện và đi đôi với giỏi nghề, có giá trị hành nghề. Có như vậy người lao động mới đứng vững được trong thị trường lao động hiện nay và tương lai”, ông Tuấn nhắn nhủ đến các bạn trẻ.