Chính trị

ĐBQH lo chung cư mini lại phát triển rầm rộ

Duy Tuấn 26/10/2023 - 18:21

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 26/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (còn gọi là chung cư mini), để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này thời gian qua, trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 529/BC-CP ngày 10/10/2023, UBTVQH đề nghị chỉnh lý lại Điều 57 chặt chẽ hơn như sau: Đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân, nếu có từ 02 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê thì phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; phải được thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở từ 02 tầng trở lên để bán, cho thuê mua căn hộ, từ 02 tầng và quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê đều phải lập dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Góp ý về quy định liên quan đến chung cư mini (Điều 57), đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy tại chung cư mini.

261020230305-nguyen-duy-thanh.jpeg
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Theo đại biểu, chung cư mini là loại hình nhà ở rất phổ biến cho các hộ gia đình trẻ, sinh viên, người đi làm tại các thành phố lớn do diện tích vừa phải, giá bán phù hợp với túi tiền, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân. Tuy nhiên, hệ lụy của loại hình nhà ở này cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng; cần có các quy định đáp ứng an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo công tác quy hoạch, đảm bảo an toàn cho người dân.

“Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đề xuất loại hình chung cư mini dưới tên nhà ở nhiều tầng, điều này có nghĩa một hộ gia đình cá nhân có thửa đất vài trăm mét vuông có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp; không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Hơn nữa, điều này cũng đặt ra vấn đề về báo cáo nghiên cứu khả thi thiết kế, cơ sở thẩm duyệt, phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy… Nếu đưa loại hình này vào dự thảo luật sẽ dẫn đến chung cư mini sẽ phát triển rầm rộ, không chỉ vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy mà còn liên quan đến giải quyết hạ tầng kỹ thuật xã hội như trường học y tế hành chính dịch vụ cho các hộ gia đình chung cư mini sẽ đè nặng tại các đô thị lớn”- Đại biểu Thanh cảnh báo.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái - cũng đề nghị ban soạn thảo bổ sung hoàn thiện quy định về loại hình nhà ở nhiều tầng.

Về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân người dân, còn gọi là chung cư mini quy định tại Điều 57 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Quốc Luận ủng hộ việc bổ sung hoàn thiện các chính sách để phát triển loại hình nhà ở này, vừa huy động được các nguồn lực xã hội, nhất là của người dân tham gia phát triển nhà ở, vừa tạo điều kiện để một bộ phận công nhân lao động, người nghèo, người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên khu vực đô thị có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở với chi phí hợp lý và các điều kiện đơn giản linh hoạt.

261020230201-nguyen-quoc-luan.jpeg
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái.

“Tuy nhiên, quy định tại Điều 57 chưa thật sự đầy đủ và khó khả thi, đề nghị sửa đổi bổ sung quy định tại điều này theo hướng: Nhà nước tập trung quản lý kiểm soát được quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng, tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ… Quá trình giao dịch quản lý sử dụng không phát sinh tranh chấp; đồng thời đơn giản hóa các điều kiện thủ tục hành chính để các cá nhân có quyền sử dụng đất và có tiềm lực tài chính có thể dễ dàng tham gia phát triển loại nhà ở này. Trường hợp dự thảo luật chưa thể nghiên cứu bổ sung đầy đủ các quy định, có thể đưa ra các quy định cơ bản mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành về phát triển loại hình ở này, nhất là vấn đề liên quan đến bán, cho thuê mua, cấp giấy chứng nhận quản lý sử dụng” - đại biểu Luận nói.

Tạo mọi điều kiện để người thu nhập thấp, người nghèo mua nhà xã hội

Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhiều đại biểu thống nhất với Phương án 1: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Góp ý về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - đề nghị nên mở rộng đối tượng được phép thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn đầu tư.

2610202309-nguyen-thi-viet-nga.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Bởi vì, khi dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, bước vào giai đoạn vận hành cho thuê mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng công nhân, người lao động chưa có nhu cầu thuê hết, thì nhà cho thuê vẫn thừa mà nhiều đối tượng khác thuộc Điều 76 có nhu cầu nhưng không thể thuê do không thuộc đối tượng “công nhân, người lao động”. Vì vậy, đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”. Bên cạnh đó, quy định điều kiện các dự án nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và dự báo nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư dự án.

Trong khi đó, đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng - đề nghị ban soạn thảo, cụ thể hóa tiêu chí người có thu nhập thấp được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.

Theo đại biểu, quy định như dự thảo Luật là chưa hoàn toàn phù hợp, chưa xác định rõ và chưa đầy đủ đối tượng được hưởng chính sách, trong đó chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

“Tuy nhiên, hiện nay việc xác định thế nào là người có thu nhập thấp chưa được quy định cụ thể. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cụ thể hóa tiêu chí người có thu nhập thấp đối với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng được hưởng chính sách và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp...” - đại biểu Đức nói.

Về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo khoản 2, khoản 3 Điều 17 là được tặng, cho, hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình đầu tư công và nhà ở.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trên thực tế, nhóm đối tượng này có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng không được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Để góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ ở khu vực nông thôn còn rất lớn hiện nay, vừa qua các địa phương đã triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, khó khăn. Tuy nhiên, phạm vi triển khai thực hiện hai chương trình này không bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí được phê duyệt còn hạn chế, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở lớn nên độ bao phủ của chương trình mục tiêu này đối với các đối tượng thụ hưởng của chương trình vẫn chưa được hết. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nhóm đối tượng tại khoản 2, khoản 3 của Điều 76 được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để đảm bảo tính khả thi của quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH lo chung cư mini lại phát triển rầm rộ