Để thnh cng trong cng tác cải cách tư pháp, phải chú trọng cng tác cán bộ, đo tạo cán bộ để liên tục cập nhật kiến thức mới, sâu rộng các chuyên ngnh, lĩnh vực của đời sống…
Vừa đảm bảo pháp luật, vừa nhân văn
Trong sự nghiệp “cầm cân nảy mực” của mình, nữ Thẩm phán Trần Thị Phương Hiền, Chánh án TAND quận Cầu Giấy, TP Hà Nội chia sẻ: “khó có thể nói vụ việc nào đáng nhớ nhất”. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Thẩm phán về một vụ án ly hôn, nguyên đơn xin ly hôn là người chồng, một thương binh nặng bị cụt hai chân phải ngồi xe lăn. Bị đơn là phụ nữ trung niên, thành đạt và rất xinh đẹp, phúc hậu. Trong đơn anh viết rằng, họ hoàn toàn không có mâu thuẫn về tình cảm vợ chồng, gia đạo vẫn êm ấm. Anh chị đã có tài sản chung khang trang và có với nhau 3 mặt con, trai gái đều có cả.
Theo căn cứ của pháp luật, căn cứ cho ly hôn phải là “mâu thuẫn vợ chồng đã thực sự trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”. Trong vụ việc này hoàn toàn không có mâu thuẫn gì.
Kiên trì tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của vụ việc, Thẩm phán biết rằng, người vợ trước đây có người yêu đi chiến trường. Sau đó, chị nhận được giấy báo tử của bạn trai. Thời điểm đó, người chồng là bộ đội về làng. Thấy anh bị thương nặng, chị đã tận tình chăm sóc và hai người nên duyên vợ chồng. Đúng vào lúc gia đình đang đề huề, êm ấm, bỗng nhiên chị biết tin người yêu năm xưa còn sống. Người xưa có hoàn cảnh rất đáng thương. Chị đã đến thăm anh và cảm thấy xót xa.
Người chồng nhận ra tâm tư của vợ và hai người đã nói chuyện rất nhiều. Anh đề nghị được ly hôn. Anh muốn chị danh chính ngôn thuận đến sống và chăm sóc cho người yêu cũ để không ai có thể dị nghị về chị. Người vợ ban đầu không thuận theo. Đó là lý do, người chồng khởi kiện xin ly hôn. Sau khi hòa giải, hai anh chị thuận tình ly hôn.
Biết bố mẹ ly hôn, những người con không hài lòng, phản đối. Xét về bản chất sự việc, nguyện vọng chính đáng của các bên đương sự, đảm bảo tính nhân văn thấu tình đạt lý của pháp luật, thì Thẩm phán đã quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn của hai anh chị.
“Từ đó, chúng tôi luôn tâm niệm, khi giải quyết vụ việc kể cả tưởng chừng rất đơn giản nhưng vẫn phải tận tâm, hiểu rõ bản chất sự việc, không cứng nhắc. Người “cầm cân nảy mực” phải thấu tình đạt lý để ban hành những quyết định đúng đắn vừa đảm bảo pháp luật vừa mang tính nhân văn”, nữ Thẩm phán nói.
Nâng cao tính độc lập xét xử
Được biết, ngành Tòa án sẽ áp dụng xét xử online với những vụ án rõ ràng, trên cương vị là Chánh án TAND quận Cầu Giấy, Thẩm phán Trần Thị Phương Hiền cho biết từ ngày quản lý TAND quận Cầu Giấy đến nay, công tác cải cách tư pháp trong công tác xét xử giải quyết các vụ án tại đơn vị được chú trọng xây dựng những giải pháp kế hoạch hàng năm để quán triệt áp dụng tại đơn vị.
Theo bà Hiền, TAND quận Cầu Giấy có cơ sở vật chất trụ sở mới khang trang, thiết kế khoa học các phân khu tố tụng - tiếp dân - xét xử - làm việc độc lập và được TAND tối cao trang bị thiết bị phòng xử hiện đại, từ bàn ghế đến trang trí, loa đài, màn hình chiếu, camera… theo đúng mẫu tiêu chuẩn do ngành đề ra.
Vì vậy, đơn vị thực hiện kết quả tranh tụng tại phiên tòa theo hướng công khai minh bạch, hỗ trợ kỹ thuật kịp thời để các bên tranh tụng không giới hạn, công khai chứng cứ chứng minh tại phiên tòa. Nhờ đó chất lượng tranh tụng được nâng lên, đảm bảo bản án là kết quả của việc tranh tụng tại phiên tòa, nâng cao tính độc lập xét xử.
Theo vị Thẩm phán, để thành công trong công tác cải cách tư pháp, phải chú trọng công tác cán bộ, đào tạo cán bộ để liên tục cập nhật kiến thức mới, sâu rộng các chuyên ngành, lĩnh vực của đời sống và đặc biệt nâng cao kỹ năng điều khiển phiên tòa của Thẩm phán thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm, tập huấn chuyên môn, hội thảo khoa học.
Đặc biệt, bà Hiền còn cho biết đơn vị thường xuyên mời các lãnh đạo đã nghỉ hưu có thâm niên trong ngành về truyền đạt, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm để cán bộ vận dụng trong quá trình giải quyết các vụ án phức tạp mang tính chuyên ngành.
Với việc xét xử online, Chánh án TAND quận Cầu Giấy nhấn mạnh: “Đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tối cao, bắt kịp xu thế tất yếu của thế giới để ứng xử linh hoạt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cũng vừa nhằm đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của ngành”.
Chia sẻ thêm về cơ duyên đến với ngành Toà án, Thẩm phán Trần Thị Phương Hiền – Chánh án TAND quận Cầu Giấy nói: “Tôi tốt nghiệp Đại học pháp lý Hà Nội, nay là trường đại học Luật Hà Nội năm 1991. Với tôi, một sinh viên mới ra trường ngày ấy, hình tượng người Thẩm phán TAND là một hình tượng đẹp và cao quý.
Sau đó, tôi may mắn được tuyển dụng vào làm cán bộ ngành Toà án, sẵn với mơ ước đó cùng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ nên tôi luôn khao khát được cống hiến cho ngành và năm 1999 tôi vinh dự được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án quận và gắn bó với ngành từ đó đến cương vị hôm nay. Trong suốt quá trình làm việc, tôi luôn cố gắng hết mình để trở thành một Thẩm phán mẫu mực, công tâm".