Bộ Y tế đề xuất nên đưa dịch vụ khám sàng lọc sớm một số bệnh, trong đó có một số loại ung thư, vào danh mục được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả để người dân được phát hiện, điều trị sớm.
Những nội dung trên được Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo đề xuất xây dựng phạm vi quyền lợi BHYT về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh trong dự án luật BHYT sửa đổi diễn ra hôm nay (8/9) ở Hà Nội.
ThS Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết, nhằm đồng bộ về chính sách với luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực vào năm 20, cũng như chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT của người dân.
Cụ thể, đề xuất quỹ BHYT chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C… Đề xuất này dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng khoa học, mô hình bệnh tật cần quan tâm.
"Chúng tôi đang cố gắng có đánh giá về tác động, hiệu quả khi đưa các bệnh này vào. Việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch…", bà Trang phân tích.
Khi người bệnh vào điều trị nội trú do các bệnh ung thư, tim mạch, tiền thuốc, kháng sinh, đặt stent cao gây chi phí rất lớn cho quỹ BHYT. Trong khi nếu được chẩn đoán sớm, điều trị ngay từ đầu, dùng thuốc sớm thì có thể giảm tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ tăng nặng của bệnh.
Về lo ngại khi đưa các bệnh này vào thì quỹ BHYT không đảm bảo bà Trang cho biết, đề xuất này dựa trên nghiên cứu về kinh tế y tế, chi phí hiệu quả. Nhiều nước trên thế giới đã làm và cho thấy hiệu quả.
Các bệnh được đưa vào là các bệnh phổ biến, nếu được điều trị sớm sẽ có hiệu quả về sau này, giảm chi tiền túi người bệnh, giảm chi từ quỹ BHYT. Chẳng hạn, kỹ thuật sàng lọc ung thư cổ tử cung làm lần đầu vào năm 30 tuổi, sau đó 5-10 năm mới làm tiếp lần 2, tần suất thực hiện thấp, chi phí không cao chỉ vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, chi phí điều trị bệnh, nhất là ở giai đoạn muộn cao hơn rất nhiều lần.
Tương tự, bệnh tăng huyết áp nếu được phát hiện sớm, điều trị ngay từ cơ sở sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm, điều trị tốn kém.
Hiện tỷ lệ chi từ túi của người dân vẫn còn cao chiếm đến 43% tổng chi tiêu y tế. Việt Nam đang cố gắng phấn đấu giảm xuống còn khoảng 39%, mức lý tưởng nhất là 25-26%.
Bên cạnh đó, có thể đưa kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán các bệnh này về thực hiện tại y tế cơ sở tuyến xã, huyện. Đây là những kỹ thuật không khó, y tế cơ sở có thể thực hiện được, đồng thời mở rộng phạm vi dịch vụ BHYT chi trả cho y tế cơ sở.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, việc đưa danh mục chi trả sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh vào Luật BHYT trong dự thảo là một trong những điểm mới. Hiện Luật BHYT chỉ mới chi trả cho các dịch vụ khám, chữa bệnh.
"Việc khám sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích. Người dân được dự phòng tốt hơn, trong trường hợp phát hiện sớm có thể điều trị sớm, giảm chi phí điều trị. Theo dự thảo, việc sàng lọc này sẽ tập trung vào một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là quỹ BHYT còn hạn hẹp, chủ yếu vẫn đang tập trung chi trả cho khám chữa bệnh. Tương lai khi khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT thì cũng cần cân nhắc", ông Phúc nhận định.
Cũng theo ông Phúc, năm 2023, dự kiến số thu và chi Quỹ BHYT chỉ bảo đảm cân bằng. Giai đoạn (năm 2022-2023), BHYT chi trả cho ung thư là 10%. Nếu chúng ta khám sàng lọc ban đầu được phát hiện sớm bệnh, thì điều trị sẽ được điều trị sớm, có thể sẽ giảm được chi phí, và thời gian điều trị chắc chắn sẽ ngắn hơn.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến, cần phải có đánh giá toàn diện, cụ thể; nhất là cần có đánh giá tác động và khả năng chi trả của quỹ. Theo lộ trình, năm 20 sẽ thông qua và năm 2025 sẽ đưa vào Luật BHYT.