Tài chính - Ngân hàng

Đề xuất cách mua bán nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường

Nguyễn Cúc 20/03/20 17:49

Đây là một trong những điểm đáng chú ý được nêu trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 06/9/2013 về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đó, khoản nợ xấu được xác định như sau: Nợ xấu của tổ chức tín dụng bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán; nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản đã mua của tổ chức tín dụng nhưng chưa thu hồi được nợ.

Về điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường, dự thảo đề xuất: Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường (GTTT) thì TPĐB tương ứng với khoản nợ xấu đó còn phải đáp ứng điều kiện chưa đến hạn thanh toán và đang không bị phong tỏa tại NHNN.

unnamed-5-.jpg
Ảnh minh họa.

Về thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường, theo đề xuất của dự thảo: Khi thực hiện chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB thành khoản nợ xấu mua theo GTTT, Công ty Quản lý tài sản thực hiện các công việc theo quy định, đồng thời thỏa thuận giá mua bán khoản nợ xấu theo GTTT với TCTD, ký kết hợp đồng mua bán nợ theo GTTT và thực hiện như sau:

a) Công ty Quản lý tài sản nhận lại TPĐB từ tổ chức tín dụng và thực hiện tất toán TPĐB, số dư nợ gốc của khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán; chuyển trả cho tổ chức tín dụng số tiền thu hồi nợ mà tổ chức tín dụng được hưởng theo quy định, khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay theo giá trị ghi sổ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán đối với trường hợp một phần khoản nợ xấu đã được chuyển thành vốn điều lệ, vốn cổ phần của khách hàng vay (nếu có). Công ty Quản lý tài sản chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ của khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay cho tổ chức tín dụng;

b) Công ty Quản lý tài sản thanh toán cho tổ chức tín dụng giá mua bán khoản nợ theo thỏa thuận tại hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường;

c) Tổ chức tín dụng chuyển trả TPĐB cho Công ty Quản lý tài sản và nhận thanh toán giá mua bán khoản nợ theo giá trị thị trường, khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay, số tiền thu hồi nợ và xử lý như sau:

Trường hợp giá mua bán khoản nợ, số tiền thu hồi nợ và giá trị của khoản vốn góp, vốn cổ phần nhận được từ Công ty Quản lý tài sản cao hơn mệnh giá TPĐB, tổ chức tín dụng hạch toán phần chênh lệch vào thu nhập trong năm tài chính;

Trường hợp giá mua bán khoản nợ, số tiền thu hồi nợ và giá trị của khoản vốn góp, vốn cổ phần nhận được từ Công ty Quản lý tài sản thấp hơn mệnh giá TPĐB, tổ chức tín dụng sử dụng dự phòng rủi ro đã trích lập cho TPĐB để bù đắp phần chênh lệch. Trường hợp vẫn còn thiếu, tổ chức tín dụng hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ theo quy định của pháp luật.

d) Tổ chức tín dụng hoàn nhập số tiền dự phòng đã trích lập cho TPĐB còn lại sau khi đã thực hiện theo quy định.

Cũng theo dự thảo, việc mua bán khoản nợ xấu theo GTTT phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản phù hợp với quy định. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB thành khoản nợ xấu mua theo GTTT, hợp đồng mua bán nợ bằng TPĐB chấm dứt kể từ thời điểm hợp đồng mua bán nợ theo GTTT có hiệu lực. Công ty Quản lý tài sản được thỏa thuận với TCTD phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý.

Liên quan đến việc bán nợ xấu đã mua, dự thảo đề xuất bổ sung quy định: Công ty Quản lý tài sản tự thực hiện hoặc thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá chào bán trong trường hợp chào giá cạnh tranh, giá dự kiến bán nợ trong trường hợp thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ. Trường hợp xét thấy cần thiết, Công ty Quản lý tài sản tham khảo giá mua, bán các khoản nợ xấu có tính chất tương đồng trên thị trường (nếu có) để xác định giá chào bán, giá dự kiến bán nợ. Trường hợp bán đấu giá khoản nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản thực hiện theo quy định pháp luật về đấu giá tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất cách mua bán nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường