Đời sống

Đề xuất trồng tre sinh khối thay thế cánh rừng bị thiệt hại sau bão tại Quảng Ninh

Tiến Thắng 17/10/20 - 09:52

Một số đơn vị đang đề xuất nghiên cứu, đầu tư dự án tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng nguyên liệu từ tre sinh khối với nhiều ưu điểm, có thể thay thế cho những cánh rừng bị xóa sổ sau trận bão số 3 vừa qua.

rung.jpg
Những cánh rừng sản xuất bị "xóa sổ" sau bão số 3 tại huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh

Siêu bão số 3 đổ bộ khiến gần 1/3 diện tích rừng tại Quảng Ninh trong tình cảnh bị “xóa sổ”, làm nhiều người trồng rừng rơi vào cảnh khó khăn, ảnh hưởng sinh kế lâu dài.

Trận bão với cường độ rất mạnh khiến gần 120.000ha rừng bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại theo thống kê gần 6.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu ở rừng sản xuất nên đã tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của hàng chục nghìn người dân vùng cao khi đời sống, kinh tế phụ thuộc vào rừng. Trong đó, không ít hộ gia đình mới thoát nghèo từ rừng thì nay nguy cơ tái nghèo khi không còn rừng.

Để tái thiết những cánh rừng một cách hiệu quả, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xác định là một trong những giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế.

Việc phát triển trồng tre sinh khối được gợi mở khi loại cây trồng này được đánh giá không chỉ mang lại giá trị cao hơn nhiều lần so với cây keo người dân đang trồng phổ biến, mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, hạn chế rủi ro trước biến đổi khí hậu.

rung-3.jpg
Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (áo trắng) gặp gỡ người trồng rừng để nắm tình hình, tìm giải pháp phục hồi những cánh rừng bị thiệt hại sau bão số 3

Theo ông Lâm Tấn Tài - giám đốc Công ty CP Tre sinh thái EcoBambu, tính theo chu kỳ ngắn nhất là 20 năm thì cây tre liên tục tái sinh mà không cần phải trồng lại. Trong đó, 17 năm liên tục đều có sản phẩm khai thác, nên lợi nhuận mang lại cho người dân đến gần 2 tỷ đồng/ha.

Trong khi đó, cũng với thời gian và diện tích trên thì cây keo mất đến 4 lần đầu tư cây giống, lợi nhuận thu được chỉ khoảng 200 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể đến khi trồng tre sinh khối, trong 2 năm đầu người dân có thể xen canh các loại cây màu nhằm lấy ngắn nuôi dài, có thể thu măng để bán thương phẩm.

“Từ năm thứ 3 trở đi, mỗi năm khoản thu từ măng và tre thương phẩm ít nhất cũng khoảng gần 100 triệu đồng” – ông Tài đánh giá.

Còn theo đại diện từ Công ty YNC Hàn Quốc và Greenlink Đà Nẵng, ngoài giá trị kinh tế mang lại thì cây tre còn có nhiều ưu điểm trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, cây tre có khả năng hấp thụ CO2 cao gấp 4 lần và giải phóng oxi vào khí quyển nhiều hơn 35% so với các cây gỗ tương đương, từ đó giúp cải thiện chất lượng không khí tiểu khí hậu.

Với chu kỳ kéo dài lên đến hàng chục năm, hệ thống bộ rễ khỏe, bám chặt vào đất và trải rộng trên diện tích đất lớn, cây tre giúp giữ được đất, tránh sạt lở khi gặp lũ lụt và tạo thành một hàng rào chắn có khả năng làm giảm cường độ của gió bão.

Khi bị gãy đổ do gió lớn, cây cũng có thể tái sinh trở lại rất nhanh mà không cần phải trồng mới. Khác với cây keo, sau chu kỳ 5-7 năm khai thác sẽ có một khoảng thời gian trở thành đất trống, đồi trọc nên dễ bị xói mòn, rửa trôi.

rung-2.jpg
Người trồng rừng tận thu những cây keo gãy đổ sau trận bão số 3 tại Quảng Ninh

Được biết, hiện nay cả 2 công ty này đều đang đề nghị nghiên cứu, đầu tư dự án Nhà máy năng lượng sinh khối có công suất 40MW, tổng mức đầu tư khoảng 65 triệu USD và sử dụng nguyên liệu từ tre sinh khối để sản xuất năng lượng tái tạo tại Quảng Ninh.

Trường hợp dự án được triển khai sẽ có thể tạo đầu ra cho sản phẩm khi người dân Quảng Ninh quyết định chuyển đổi cây trồng sang trồng tre sinh khối thay thế những cánh rừng keo bị hư hỏng do gió bão vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất trồng tre sinh khối thay thế cánh rừng bị thiệt hại sau bão tại Quảng Ninh