Văn hóa - Du lịch

Đến đường sách TP.HCM tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu

Kim Sáng 03/06/20 - 11:00

Nghệ thuật sân khấu với những kỹ thuật diễn xuất tinh tế, những tác phẩm sáng tạo độc đáo truyền tải những thông điệp nhân văn sâu sắc luôn là một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần con người.

Nằm trong khuôn khổ Hội sách thiếu nhi lần V năm 20, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, đường sách TP.HCM và CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ phối hợp tổ chức chương trình “Những giá trị độc đáo trong nghệ thuật sân khấu và cuộc sống”.

Đây là hoạt động nhằm giúp người dân thành phố, đặc biệt là thanh thiếu nhi hiểu hơn về những giá trị độc đáo trong nghệ thuật sân khấu để từ đó gìn giữ và phát huy, góp phần làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.

duong-sach-2.6-2-.jpg
Diễn giả văn hoá Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ chia sẻ tại chương trình.

Có thể thấy rằng, nghệ thuật sân khấu với những kỹ thuật diễn xuất tinh tế, những tác phẩm sáng tạo độc đáo mang những thông điệp nhân văn sâu sắc luôn là một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần con người.

Nó không chỉ đem lại những giây phút giải trí thư giãn mà còn góp phần tô điểm cho cuộc sống, nuôi dưỡng những giá trị cao đẹp và truyền cảm hứng cho chúng ta sức mạnh vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống.

z5501861473952_9ab682e6e3c37c81f275befe99b3af92.jpg
NSƯT, TS. Nguyễn Thị Hải Phượng thị phạm, phân tích rõ hơn về sự độc đáo của đàn tranh Việt Nam.

Tại chương trình, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ đã chia sẻ và thị phạm đến khán giả về ngữ khí như giọng hầu, giọng óc, gan, ngực, bụng… để thể hiện đa dạng tính cách của con người trong cung bậc cảm xúc thường diễn ra hàng ngày.

Tất cả những cao trào cảm xúc đó bắt buộc diễn viên phải hiểu để xây dựng nhân vật. Chẳng hạn như, khóc - cười là hai cao trào cảm xúc đối lập mà chúng ta thường thấy khi được xem là biểu tượng của sân khấu, cũng chính là cảm xúc của cuộc đời.

dsc01839.jpg
Chặp cải lương “Câu chuyện bó đũa” của soạn giả Hồ Nhựt Quang.

Cạnh đó, ThS, NSƯT Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM, đã khái quát về những nét đặc sắc của sân khấu Việt Nam thông qua dòng chảy lịch sử từ thời Tiền Lê đến thời hiện đại, từ dân gian đi vào chốn cung đình và ngược lại.

Tất cả chất liệu sân khấu là những giá trị của cuộc sống được đúc kết và tạo nên những tác phẩm sân khấu với nhiều hình thức đa dạng như chèo, tuồng, kịch nói, cải lương, hát chặp…

1.jpg
Nghệ sĩ Kim Anh trình diễn bài ca cổ “Đàn tranh Việt Nam” do anh Hồ Nhựt Quang sáng tác.

Cố GS.TS Trần Văn Khê từng chia sẻ: “Theo lẽ đời, khi vui chúng ta cười, khi buồn khổ chúng ta khóc, cũng có khi khóc cười đan xen. Có một điều tôi nhận ra rất thú vị, đó là khi mới được sinh ra, con người ta thường khóc nhưng bao nhiêu người khác lại cười để mừng chào đón một thành viên mới của gia tộc, gia đình, chào đón một sinh linh. Nhưng hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta là phải sống làm sao cho vẻ vang để ngày chúng ta ra đi, bao nhiêu người khác phải khóc và chúng ta lại được mỉm cười”.

2.jpg
Chương trình “Những giá trị độc đáo trong nghệ thuật sân khấu và cuộc sống” được tổ chức tại đường sách TP.HCM.

Chương trình “Những giá trị độc đáo trong nghệ thuật sân khấu và cuộc sống” đã góp phần tô đậm những giá trị nhân văn, triết lý sống sâu sắc như phẩm giá, lòng nhân ái, sự tha thứ và hòa giải; tầm quan trọng của các mối quan hệ gia đình, tình người; đồng thời truyền tải những bài học về ý nghĩa thiêng liêng trong cuộc sống, đặc biệt là bản sắc, căn tính nhân hòa của người Việt Nam.

Thời gian này, đường sách TP.HCM cũng tổ chức nhiều hoạt động để hưởng ứng Hội sách thiếu nhi năm 20, qua đó phục vụ người dân, thanh thiếu nhi trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến đường sách TP.HCM tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu