Văn hóa - Du lịch

Điểm sáng mới trên bản đồ du lịch thế giới

Trang Việt - Trần Ngân 16/09/20 - 06:55

Công viên địa chất Lạng Sơn vừa chính thức được UNESCO công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu”, đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển du lịch địa phương vươn tầm quốc tế.

a1-38-(1).jpg
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn nằm trong thung lũng Bắc Sơn.

Vươn mình ra thế giới

Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Trước đó, qua các nghiên cứu, điều tra khảo sát thực địa kéo dài nhiều thập kỷ, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã công nhận và khẳng định Lạng Sơn là nơi sở hữu những giá trị to lớn mang tính toàn cầu, đủ sức trở thành một công viên địa chất tầm cỡ.

Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021 với tổng diện tích là 4.842 km2, trải qua các huyện và thành phố: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn, với dân số gần 627.000 người, tương ứng khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh.

Đây được xem là công viên có giá trị địa chất, địa mạo cao khi sở hữu hệ thống di sản địa chất đa dạng, phong phú và là minh chứng sống động về hành trình hơn 500 triệu năm tiến hóa sự sống trong những cảnh quan đa dạng của nó, cùng với đó là nhiều di sản văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc.

Công viên chính là nơi có nhiều cảnh quan nổi tiếng như: những dãy núi đá thấp trùng điệp bao quanh những thung lũng, bản làng ở xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng); hệ thống hang động là nơi cư trú của người tiền sử như hang Thẩm Khuyên (huyện Bình Gia),...

Văn hóa nơi đây được ví như một tấm thảm rực rỡ về sự đa dạng sắc tộc, mỗi nhóm đều có những phong tục riêng độc đáo. Đời sống tâm linh của người dân bắt nguồn từ Đạo Mẫu - tín ngưỡng thờ Mẫu. Văn hóa được trải dài qua đời sống sinh hoạt thường nhật tại những bản làng đồng bào Tày, Nùng,... cũng được hiện hữu với nét đẹp mộc mạc nhưng không kém phần nên thơ.

2(1).jpg
Khu Công viên địa chất tại Thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Điểm đến hấp dẫn cho những hành trình khám phá

Với mong muốn phát triển du lịch bền vững dựa vào giá trị cốt lõi, hành trình khám phá Công viên Địa chất Lạng Sơn với chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng” đã được xây dựng và hệ thống hóa với 4 tuyến và 38 điểm du lịch giúp khách du lịch có cơ hội khám phá, trải nghiệm và thấu hiểu miền đất, con người xứ Lạng một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất.

“Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng” được khởi nguồn với tuyến hành trình đầu tiên mang tên “Khám phá Thượng Ngàn”. Hành trình lấy cảm hứng từ màu áo xanh trên tấm áo của Đệ Nhị Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Được chia thành 8 điểm với quãng đường 120km, khởi nguồn từ đền Bắc Lệ của huyện Hữu Lũng. Hành trình tạo cơ hội để du khách được thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng không kém phần diễm lễ của xứ Lạng. Điểm tham quan đầu tiên tạo nên khác biệt giữa Công viên địa chất Lạng Sơn với các công viên địa chất khác cùng khu vực.

Tuyến hành trình thứ 2 mang tên “Hành trình về miền Thiên giới” là tuyến du lịch gắn với màu áo đỏ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh với 11 điểm tham quan, quãng đường khoảng 130 km. Mở đầu là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, qua đền Mẫu Đồng Đăng đến các điểm dọc quốc lộ 1B về miền quê hương cách mạng Bắc Sơn. Hành trình này đi qua nhiều địa danh nổi tiếng gắn với các giá trị di sản địa chất, quá trình tiến hóa sự sống tiêu biểu của loại người với dấu tích của người tiền sử lâu đời nhất Việt Nam có niên đại 475.000 năm, từ nền văn hóa Bắc Sơn cho đến vùng quê hương cách mạng quật khởi yên bình ẩn hiện trong thung lũng lúa vàng tạo nên một hành trình tham quan kỳ thú tại xứ Lạng.

Tuyến “Cuộc sống dân dã nơi trần thế” là tuyến du lịch số 3 gắn với màu Vàng đặc trưng của tượng đồng nguyên bản các vị Thánh Mẫu. Ở tuyến này, người tham gia sẽ được đi qua 9 điểm tham quan trên hành trình dài khoảng 130km, khởi nguồn từ huyện Bắc Sơn. Trải nghiệm đón bình minh trên bản làng văn hóa tày xã Quỳnh Sơn, trải nghiệm nghề làm ngói âm dương thủ công truyền thống, thăm đền Chầu Mười linh thiêng giữa núi rừng,...sẽ đem lại nguồn cảm hứng bất tận cho người tham gia trên hành trình này.

mau-son-1(1).jpg
Đỉnh núi Mẫu Sơn được chụp từ trên cao.

“Khám phá Thủy cung” là chủ đề của tuyến số 4, gắn liền với màu áo trắng của Thánh Mẫu Thoải với 10 điểm tham quan trên quãng đường khoảng 80km bắt đầu từ chùa Tam Thanh, theo quốc lộ 4B đi về hướng Lộc Bình. Qua chùa Bắc Nga thâm nghiêm cổ kính, hành trình đến với vùng núi Mẫu Sơn ẩn hiện trong mây núi quanh năm trong lành mát mẻ. Đến đài quan sát ngắm toàn cảnh vùng trũng Na Dương, nơi được ví như “cửa sổ nhìn về thế giới cổ đại”, nơi phát hiện hàng loạt hóa thạch niên đại khoảng 40 triệu năm trước, một địa điểm quan trọng thu hút sự quan tâm nghiên cứu tìm hiểu và khám phá. Hành trình còn qua các điểm thác Bản Khiếng, chùa Tiên, đền Mẫu Thoải linh thiêng…

Công viên địa chất Lạng Sơn mang trong mình những giá trị độc đáo hiếm nơi nào có. Việc công nhận nơi đây là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo tồn, mở ra cơ hội để Lạng Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thích khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đây được coi là ngọn hải đăng cho sự phát triển bền vững và là sự tôn vinh đối với sức sống thiên nhiên và văn hóa.

Ngày 30/11/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn. Ngày 08/9/20, Công viên địa chất Lạng Sơn chính thức được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Dự kiến, Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ nhận bằng công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào năm 2025 tại Chile.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng mới trên bản đồ du lịch thế giới