Ngày 16/06/20, Diễn đàn cấp cao: “Khoa học và Công nghệ 4.0: Chiến lược phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long” được đồng tổ chức bởi Tập đoàn CT Group, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM, trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM, thu hút sự tham gia từ các đại biểu là lãnh đạo Trung ương, các Tỉnh/Thành phía Nam, các nhà khoa học trong nước và quốc tế ở nhiều lĩnh vực công nghệ.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những đồng bằng giá trị nhất thế giới khi được thiên nhiên ban tặng đất đai màu mỡ, trù phú cùng khí hậu ôn hòa, thuận lợi để phát triển nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả khu vực ASEAN. Đây còn là “vựa lúa” khổng lồ, đảm bảo an ninh lương thực dồi dào cho Việt Nam và thế giới.
Nhưng ở đây người dân vẫn nghèo, phải tha hương cầu thực khắp nơi, kiếm sống ở các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương hay phải đi lao động xa xứ ở các nước Hàn Quốc, Malaysia… Vì đâu? Thực sự về công nghệ thì ĐBSCL là vùng trũng, các bộ ngành hoạt động theo mảnh riêng, thiếu đồng bộ; đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo còn thấp; hạ tầng còn thiếu thốn "cái khó bó cái khôn" và đặc biệt là tình trạng chảy máu chất xám, thiếu nguồn nhân lực và cả vốn đầu tư...
Diễn đàn lần đầu tiên tiếp cận theo góc nhìn về “đồng bộ hóa và tối ưu hóa Cách mạng công nghệ 4.0 - Chiến lược phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long”. Các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… đã đề xuất mô hình kết hợp đồng bộ tối ưu các công nghệ lõi của Công nghệ 4.0 và quá trình chuyển đổi Kinh tế xanh, với các dự án mang tính dẫn đường như: Tín chỉ Carbon - Nông nghiệp - Xây dựng - Giao thông xanh…; Chuyển đổi số: Trí tuệ nhân tạo, Trung tâm dữ liệu, Thành phố thông minh, Công nghệ bán dẫn, Phương tiện không người lái; Kinh tế tuần hoàn như: Năng lượng Hydrogen, 5R; Phát triển hạ tầng và Nguồn nhân lực phù hợp.
Các chuyên gia tại Diễn đàn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ xanh và giải pháp liên kết để phát triển bền vững cho ĐBSCL. Giải pháp liên minh giữa các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp… để tận dụng năng lực và thế mạnh của các bên cũng được đề xuất.
Ông Trần Kim Chung – Chủ tịch Tập đoàn CT Group, chia sẻ: “Phần lớn người dân vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 ảnh hưởng sâu rộng như thế nào đến toàn thể nhân loại, chưa sẵn sàng để làm chủ tương lai. Đặc biệt tại ĐBSCL là vùng trũng cả về hạ tầng lẫn công nghệ…
Thông qua diễn đàn này để cùng nhau đưa ra các gợi ý phác thảo của các công nghệ khả dụng thực tế nhất, giới thiệu những gì chúng ta có thể làm được cho ĐBSCL trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, để ĐBSCL có thể triển khai theo một lộ trình phù hợp cho các địa phương. Với sự phối hợp với các lãnh đạo cơ quan báo chí truyền thông lớn, để chúng ta cùng nhau làm nên những hoạt động xã hội rất sáng tạo, mới mẻ, có giá trị lâu dài và hiệu quả cao cho ĐBSCL, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của khu vực”.
Phát triển khoa học công nghệ cao và bền vững được xác định là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế xã hội vùng ĐBSCL. Diễn đàn "Khoa học và Công nghệ 4.0: Chiến lược phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long" là diễn đàn đầu tiên có sự kết hợp giữa giới học thuật với giới doanh nghiệp thực chiến để nghiên cứu mô hình tối ưu cho việc ứng dụng đồng bộ, cộng hưởng các công nghệ lõi của Cách mạng công nghệ 4.0 vào ĐBSCL. Diễn đàn cũng là hoạt động lâu dài, phi lợi nhuận, nhằm mục tiêu giúp cho 20 triệu người dân lương thiện miền Tây bớt phần vất vả, thay đổi cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.