Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nhân xứ Thanh kỳ vọng Nghị quyết 68-NQ/TW “chắp cánh” cho kinh tế tư nhân bay cao

Thanh Phương 11/05/2025 - 14:27

Kinh tế tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển công nghệ. Doanh nhân xứ Thanh kỳ vọng Nghị quyết 68-NQ/TW “chắp cánh” cho kinh tế tư nhân phát triển toàn diện.

Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 10/4/2025 của Bộ Chính trị khẳng định rõ vai trò trung tâm của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

hoptac.jpg
Doanh nghiệp Thanh Hóa tham quan, hợp tác với các đơn vị nước bạn Lào

Trong bối cảnh hiện nay, việc khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển không chỉ là nhiệm vụ của chính phủ mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, nhằm xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và bền vững.

Kinh tế tư nhân là nguồn chính tạo ra việc làm cho người lao động. Các doanh nghiệp tư nhân, từ nhỏ đến lớn, đóng góp vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao đời sống của người dân.

tiennong.jpg
Kinh tế tư nhân phát triển tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động

Đội ngũ doanh nhân, người lao động trong lĩnh vực tư nhân thường có khả năng linh hoạt hơn trong việc áp dụng công nghệ mới và phát triển sản phẩm, dịch vụ sáng tạo. Điều này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Các doanh nghiệp tư nhân cung cấp nguồn thu thuế quan trọng cho ngân sách nhà nước, từ đó giúp chính phủ thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào tăng trưởng GDP thông qua việc đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân có thể tạo ra động lực cho nền kinh tế nói chung.

traoqau.jpg
Doanh nhân Thanh Hóa chăm lo đời sống cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn

Sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp tư nhân trong một lĩnh vực cụ thể tạo ra sự cạnh tranh, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, giảm giá cả và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Kinh tế tư nhân đáp ứng nhu cầu của thị trường bằng cách cung cấp hàng hóa và dịch vụ đa dạng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Một môi trường kinh tế tư nhân phát triển có thể thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần vào việc chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Nhiều doanh nghiệp tư nhân hiện nay đã chú trọng đến trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững, tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và cộng đồng.

xaynha.jpg
Chung tay xóa nhà tạm, dột nát cho người nghèo trên địa bàn

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty xây dựng Bình Minh (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi kỳ vọng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, giúp giảm bớt các rào cản pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh.

Có hành lang, cơ chế từ Nghị quyết 68 sẽ có thêm các chương trình hỗ trợ tài chính, vay vốn với lãi suất ưu đãi và các quỹ đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và mở rộng sản xuất.

Những chính sách ưu việt của Nghị quyết sẽ tạo ra các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng cho nhân viên, giúp họ đáp ứng tốt hơn với yêu cầu của thị trường. Có nguồn lực để cho doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cũng như ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

thanhhoa.jpg
Tỉnh Thanh Hóa lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp tư nhân về giá vật liệu xây dựng tăng cao

Trao đổi với PV, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công - Nông nghiệp Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong cho rằng đây là thời cơ lớn để doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ và phát triển bền vững.

Với vị thế là doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ đầu tiên của Thanh Hóa, Tiến Nông cam kết tiếp tục tiên phong ứng dụng các giải pháp khoa học vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng hệ sinh thái kinh doanh có trách nhiệm xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045.

ophong.jpg
Doanh nhân Nguyễn Hồng Phong kỳ vọng Nghị quyết 68-NQ/TW là động lực mới cho doanh nghiệp phát triển

“Tôi đặc biệt xúc động và đánh giá rất cao tinh thần của Nghị quyết 68. Thể hiện một cách sâu sắc, toàn diện vai trò và vị thế then chốt của đội ngũ doanh nhân trong kiến tạo và phát triển nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, sự quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân là sự khẳng định mạnh mẽ về chủ trương nhất quán trong việc phát triển thành phần kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

cuccb.jpg
Các doanh nhân Cựu chiến binh Thanh Hóa giúp nhau làm giàu

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng với quyết tâm đổi mới, cùng sự đồng hành, hỗ trợ từ các chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân Thanh Hóa nói riêng sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết đã đặt ra”.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa Cao Tiến Đoan cho biết: Nghị quyết 68 có ý nghĩa vô cùng quan trọng với doanh nghiệp, doanh nhân trong thời điểm hiện tại và tương lai.

Nghị quyết cởi trói cho doanh nghiệp, doanh nhân khơi thông được điểm nghẽn về thể chế chính sách, đặc biệt còn là kích thích tinh thần, sự đột phá, khơi dậy niềm tin, khát khao vươn mình của giới doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo quyền và lợi ích cho doanh nghiệp, doanh nhân.

odoang.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa Cao Tiến Đoan

Đặc biệt, Nghị quyết 68 sẽ là chỗ dựa, đòn bẩy, cú hích mạnh mẽ, đúng thời điểm cả nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Điểm sáng tạo sự yên tâm cho chính quyền và doanh nghiệp được bảo vệ trong việc điều hành, thực thi chính sách cũng như doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, giảm hình sự hóa các quan hệ kinh tế để doanh nghiệp, doanh nhân yên tâm, mạnh dạn, hăng say sản xuất, kinh doanh, phát triển tăng tốc kinh tế cũng như việc thành lập số doanh nghiệp trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân xứ Thanh kỳ vọng Nghị quyết 68-NQ/TW “chắp cánh” cho kinh tế tư nhân bay cao