Văn hóa- Thể thao

Độc đáo Hội Liên gia nơi xứ Lạng

Trang Việt 18/03/20 - 13:38

Hội Liên gia - dựng rạp để ăn mừng và tiếp đãi bạn bè thập phương tới chơi - là một nét đẹp đặc trưng của người dân xứ Lạng mỗi dịp đầu xuân năm mới.

4-1-.jpg
Rạp để tiếp đón khách của Hội Liên gia Phú Lộc 1, thành phố Lạng Sơn.

Đến với xứ Lạng trong mỗi dịp đầu xuân mới, từ đầu phố cho đến cuối thôn trên khắp các bản làng chúng ta đều cảm nhận được sự vui vẻ, hoan hỷ trong không khí của các lễ hội. Đặc biệt hơn nữa, khi đến với Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ của TP. Lạng Sơn vào ngày 22 - 27 tháng giêng (AL) hàng năm, chúng ta sẽ bắt gặp một hiện tượng mà không ở đâu có, đó là hình ảnh từng nhóm gia đình, hay còn gọi là Hội Liên gia, dựng rạp để ăn mừng và tiếp đãi bạn bè thập phương tới chơi.

Đãi khách bằng cả tấm chân tình

Tới TP. Lạng Sơn trong dịp lễ hội truyền thống Kỳ Cùng - Tả Phủ (từ ngày 22 dến 27 tháng Giêng), du khách sẽ thực sự cảm nhận được sự hân hoan, tính mến khách của mỗi một con người nơi đây. Cái niềm vui ấy là sự chung tay của cả một cộng đồng, một hệ thống từ đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tạo nên và là nét văn hóa độc đáo đã được đúc kết, duy trì qua nhiều thế hệ.

Đến với TP. Lạng Sơn trong dịp này, để cảm nhận và được hòa chung với không khí của lễ hội, tôi và một người bạn quyết định mượn xe máy của người quen để dạo quanh thành phố. Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ đường Hùng Vương, chạy qua Lê Lợi rồi vào Lý Thường Kiệt, sau đó vòng sang Bà Triệu, Trần Đăng Ninh…

Cả một buổi rong ruổi trên những con phố của thành phố, tới đâu chúng tôi cũng bắt gặp những chiếc rạp trang trí bắt mắt, có khi còn đẹp hơn cả những rạp cưới. Không những thế, ở đâu chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui, những nụ cười và được nghe những khúc nhạc rộn ràng trong không khí tưng bừng của ngày hội. Phấn khích trước sự nhộn nhịp này, anh bạn đi cùng tôi còn thốt lên rằng “thành phố Lạng Sơn như đang tổ chức đám cưới tập thể?!”.

1-2-.jpg
Các Hội Liên gia dựng rạp tiếp đón khách ở khắp những con đường trong thành phố Lạng Sơn.

Để thỏa trí tò mò, chúng tôi nán lại ven đường, đến gần một chiếc rạp dựng trên đường Lý Thường Kiệt để trò chuyện với mọi người ở đây. Thấy chúng tôi ghé chơi, ông Hoàng Đình Khánh - một thành viên trong Hội Liên gia khu phố nơi chúng tôi ghé chơi - đon đả tiếp đón và mời uống nước, trò chuyện.

Qua câu chuyện của ông Khánh, chúng tôi mới biết những chiếc rạp này là do các Hội Liên gia dựng lên để tiếp đón bạn bè, người thân và du khách thập phương tới chơi hội Kỳ Cùng - Tả Phủ.

Giải thích thêm về Hội Liên gia, ông Khánh cho hay: “Gọi là hội cho có tổ chức, chứ thực chất đây là hoạt động của sự liên kết những gia đình ở gần nhau, tụ họp lại rồi cùng góp công sức, vật chất, tài chính để dựng rạp, hoạt động vui chơi, ăn mừng tập thể. Nhà ai có khách cũng mời đến cùng chung vui tại đây, không phân biệt khách là của riêng gia đình nào. Không những vậy, kể cả khách thập phương tới chơi hội cũng có thể ghé vào chung vui với chúng tôi, cho dù không hề quen biết. Chúng tôi tiếp đón bạn bè, người thân và du khách bằng tất cả tấm chân tình, lòng mến yêu khi mọi người đến với lễ hội”.

2(1).jpg
Những chiếc rạp dựng lên đón khách ở đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn.

Nét đẹp từ sự đoàn kết

Để hiểu thêm thế nào là Hội Liên gia, hội được hình thành và hoạt động như thế nào, phóng viên Báo Công lý đã tìm găp và trò chuyện với Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn (nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn), nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Lạng.

Ông Páo cho biết, Hội Liên gia thực chất là các gia đình ở sát nhau trên cùng một dãy phố hay ngõ xóm, liên kết với nhau để hoạt động thành một cộng đồng nhỏ. Khi những gia đình trong hội có việc riêng (hiếu, hỷ...) hay những sự kiện mang tính chất chung như lễ hội chẳng hạn, tất cả tụ tập lại rồi góp công, góp của để cùng nhau tổ chức, chia sẻ.

“Ở Lạng Sơn, Hội Liên gia cũng hình thành từ khá lâu, nhưng từ năm 2019 tới giờ mới trở thành phong trào và lan tỏa rộng. Hội Liên gia thường có một Hội trưởng và một Hội phó. Họ là người có tiếng nói, thường đứng lên hô hào, điều phối những công việc của hội. Hội thành lập trên tinh thần tự nguyện của các gia đình tham gia. Tuy nhiên, hội có tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất là cao. Ở đây, "liên gia" có nghĩa là sự “cố kết”, các gia đình trong hội luôn giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau, tạo nên một cộng đồng có tính trách nhiệm của mỗi một cá nhân mà thành…”.

“Chẳng những vậy, từ khi hình thành, Hội Liên gia đã đề cao sự tự nguyện và trách nhiệm, tính tự giác tạo thành một tập thể, cho nên việc mang lại giá trị xã hội rất là lớn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự khu phố, an toàn xã hội được phát huy”, Tiến sĩ Hoàng Văn Páo chia sẻ thêm.

3-2-.jpg
Hình ảnh những chiếc rạp được chụp từ trên cao.

Cũng xuất phát từ phòng trào các Hội Liên gia, giờ đây tại Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ của TP. Lạng Sơn còn có cả những hội nhóm khác như: Hội anh em, Hội doanh nghiệp, Hội bạn bè… Tất cả các hội nhóm đều xuất phát trên tinh thần tự giác và trách nhiệm cao với cộng đồng.

Ví như ở Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ vừa qua, mỗi du khách khi đến chơi với lễ hội đều được tiếp đón chu đáo, từ ăn uống cho tới hát ca, tạo nên một cung bậc cảm xúc mang tính tập thể mà lại rất riêng biệt. Ở đây họ có những mâm cỗ mang đậm bản sắc của địa phương mà bất cứ ai cũng được đón chào đến thưởng thức, cho dù là không quen biết. Rồi những suất cơm hộp được làm sẵn, sắp xếp ngăn nắp chỉ để mời những vị khách qua đường lấy dùng khi tới bữa mà chưa có điểm dừng chân.

Vậy mới thấy, sự đoàn kết sẽ luôn tạo lên một sức mạnh tập thể mang giá trị nhân văn sâu sắc và ý nghĩa. Mô hình “Hội Liên gia” đã được hình thành ở rất nhiều nơi trên khắp cả nước, nhưng ở TP. Lạng Sơn, tại Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ, nét đẹp văn hóa đó lại được nhân lên gấp bội qua những mô hình như “Hội Liên gia”, bởi nó góp phần không nhỏ trong việc tạo nên những hình ảnh đẹp trong con mắt mỗi du khách khi ghé tới Lạng Sơn trong mỗi dịp xuân về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo Hội Liên gia nơi xứ Lạng