Văn hóa - Du lịch

Độc đáo Tết Thanh minh của người Dao Quần Chẹt

Nguyễn Liên - Như Quỳnh 30/03/2025 - 06:03

Tết Thanh minh không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên mà còn là một nét văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao Quần Chẹt ở xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đây là dịp để con cháu sum vầy, thể hiện lòng thành kính với bậc tiền nhân, đồng thời lưu giữ những phong tục truyền thống.

Nét đẹp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Hằng năm, cứ đến ngày mùng 3/3 âm lịch, khi tiết trời trở nên trong lành, cây cối đâm chồi nảy lộc, người Dao Quần Chẹt lại náo nức chuẩn bị cho Tết Thanh minh – hay còn gọi là “Sình Mình”. Đây là dịp các thành viên trong gia đình đoàn tụ, tập trung dọn dẹp, tu bổ mồ mả tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn với công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha ông.

img_2279(1).jpg
Lễ cúng Thanh minh của người dân tộc Dao Quần Chẹt xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Như Quỳnh).

Vào ngày này, khi đặt chân đến xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên sẽ bắt gặp những cánh đồng xanh mướt, những dãy núi trùng điệp, những ngôi nhà sàn truyền thống của người Dao ẩn hiện dưới ánh nắng vàng. Tiếng cười nói vui vẻ, tiếng nhạc dân tộc vang lên khắp không gian. Các gia đình quây quần bên nhau, chuẩn bị lễ vật, bày biện mâm cỗ, cùng nhau dùng bữa cơm đoàn viên. Những người con xa quê trở về, mang theo niềm vui và lòng thành kính dâng lên tổ tiên.

Bà Dương Thị Kim Cảnh – một người Dao Quần Chẹt dạy tiếng Dao ở Thái Nguyên – chia sẻ: "Nhiều người nghĩ Tết Thanh minh chỉ là dịp tụ họp ăn uống, nhưng thực ra đây là lúc để con cháu thể hiện lòng biết ơn tổ tiên. Chúng tôi luôn dạy con cháu rằng ngày này phải về nhà, cùng nhau làm lễ cúng, tảo mộ, gìn giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn”.

Tết Thanh minh – sợi dây kết nối các thế hệ

img_2204(1).jpg
Trưởng họ là người đứng ra chọn ngày đẹp để làm Thanh minh.

Trước ngày lễ, dòng họ họp mặt tại nhà thờ tổ (Tổ Piếu) để bàn bạc cách tổ chức. Trưởng họ sẽ xem ngày tốt, tránh ngày kiêng kỵ, sau đó chọn thầy cúng phù hợp. Điều đặc biệt là thầy cúng phải là người khác họ mới được làm lễ.

Anh Triệu Văn Viên (dân tộc Dao, xóm Tân Lập, Phú Xuyên, Đại Từ) cho hay: "Lễ vật cúng Thanh minh của người Dao Quần Chẹt mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lòng thành kính và biết ơn tổ tiên.

Bánh dày được dâng cúng như biểu tượng của lòng hiếu thảo, gắn liền với phong tục truyền thống. Mâm cỗ không thể thiếu gà, thịt, rượu – những lễ vật quen thuộc thể hiện sự đủ đầy, sung túc. Đặc biệt, người Dao sử dụng tiền giấy làm từ giấy bản – loại giấy truyền thống được chế tác từ cây dó, rơm nếp và cây “tờ kêu”, tượng trưng cho của cải gửi đến tổ tiên ở thế giới bên kia.

Ngoài ra, trên bàn cúng còn có đĩa cá nhỏ, bởi theo quan niệm của người Dao, cúng nhiều tôm cá nhỏ là cách bày tỏ sự sung túc, đầy đủ cho tổ tiên, mong họ được an vui và phù hộ cho con cháu.

Sáng sớm, các gia đình mang cuốc, xẻng đi tảo mộ, dọn dẹp và sửa sang lại phần mộ tổ tiên. Sau đó, mâm lễ được dâng lên bàn thờ, thầy cúng tiến hành nghi lễ đọc tên tổ tiên, cầu mong gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu. Khi lễ hoàn tất, vàng mã được đốt để gửi đến tổ tiên ở thế giới bên kia.

Sau khi cúng xong, cả gia đình sum vầy bên mâm cơm, chia sẻ những câu chuyện gia đình, dạy bảo con cháu về đạo lý, phong tục. Tiếng hát, điệu múa dân tộc vang lên, tạo nên không khí đầm ấm như một ngày Tết thực sự".

img_2119(1).jpg
Lễ Thanh minh là thời điểm con cháu sum vầy, thể hiện lòng thành kính với bậc tiền nhân, đồng thời lưu giữ những phong tục truyền thống qua bao thế hệ

Tết Thanh minh không chỉ giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về nguồn cội mà còn nuôi dưỡng lòng tự hào về gia đình, dân tộc. Những câu chuyện về tổ tiên như một sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, giúp con cháu biết trân trọng truyền thống.

Bà Kim Cảnh bày tỏ: "Chúng tôi luôn đưa con cháu đi tảo mộ, hướng dẫn chúng cách thực hiện nghi lễ. Tết Thanh minh không chỉ là ngày cúng tổ tiên, mà còn là dịp giáo dục con trẻ về đạo lý làm người. Đây là nét đẹp văn hóa mà chúng ta cần gìn giữ mãi mãi".

Trong nhịp sống hiện đại, khi con người ngày càng bận rộn, Tết Thanh minh vẫn là biểu tượng của sự kết nối và tiếp nối. Đây không chỉ là ngày để tưởng nhớ tổ tiên, mà còn là dịp để mỗi người sống chậm lại, hướng về cội nguồn, gắn kết tình thân, giữ gìn truyền thống quý báu của dân tộc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo Tết Thanh minh của người Dao Quần Chẹt