Văn hóa - Du lịch

Độc đáo tục đốt Đình Liệu vào đêm giao thừa ở xứ Thanh

Nguyễn Sự 08/02/20 - 21:30

Hàng năm, cứ vào đêm giao thừa, người dân làng Động Bồng (xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) lại quây quần tại đình làng cùng tổ chức lễ đốt Đình Liệu, rước lửa về nhà với ước mong một năm mới may mắn, bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Đình Động Bồng là ngôi đình nổi tiếng ở làng Động Bồng, được xây dựng từ đời vua Gia Long thứ 10 (1812), chiếm một vị trí quan trọng trong nền kiến trúc cổ xứ Thanh. Nơi đây thờ hai thành hoàng làng là Tô Hiến Thành và Tống Quốc Công.

Đình Động Bồng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2001. Một trong những nét văn hóa độc đáo gắn với ngôi đình nổi tiếng này là tục đốt Đình Liệu (đốt lửa) vào đêm 30 Tết.

dot_dinh_lieu3.jpg
Đình Động Bồng là ngôi đình nổi tiếng ở làng Động Bồng, được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2001.

Các vị cao niên trong làng cũng không nhớ rõ tục đốt Đình Liệu đêm giao thừa có từ bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích, chỉ biết được cha ông đời nối đời truyền lại. Từ xưa đến nay, tục lệ này đã trở thành nét đặc trưng văn hóa của người dân làng Động Bồng. Đốt Đình Liệu không chỉ có ý nghĩa cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, người người gặp nhiều may mắn, mà còn thể hiện lòng thành kính của người dân nhớ đến tổ tiên, công ơn của người có công khai mở đất nước, bờ cõi.

Cụ Bùi Văn Lô (78 tuổi), Trưởng Ban nghi lễ làng Động Bồng cho biết, để chuẩn bị cho lễ đốt Đình Liệu vào thời khắc giao thừa, cứ đến tháng Chạp hàng năm, dân làng cử thanh niên trai tráng là những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn và nghị lực lên các ngọn núi trong vùng như: Ba Trạc, Bái Bò, Đầu Voi…tìm cây đóm (loại cây có dầu rất dễ bắt lửa), chọn những đoạn cây vừa chắc vừa dẻo làm đòn gánh bó đóm lại đưa về. Sau đó, phơi đóm thật khô mới thu lại để chuẩn bị cho việc kết, bó, tạo dáng Đình Liệu.

dot_dinh_lieu1.jpg
dot_dinh_lieu2.jpg
Công đoạn kết, bó, tạo dáng Đình Liệu.

Về phần nghi lễ, làng chọn ra 5 vị cao niên đại diện cho chính chính quyền địa phương, Ban lãnh đạo thôn, con em xa quê tham gia đốt Đình Liệu. Những người được chọn phải đạt được các yếu tố “phu thê thông toàn, con cháu thành đạt, gia đình gương mẫu”.

Thời điểm sau khi tiễn Táo quân lên trời, vào ngày 25 tháng Chạp, các trai tráng gom những cây đóm đã khô kết Đình Liệu thành một con rồng lớn có đường kính 50cm, chiều dài gần 10m, rồi đem đặt vào tòa đại đình. Đình Liệu được các cụ trong làng trông coi rất cẩn thận, không cho ai được đến gần.

dot_dinh_lieu4.jpg
Đình Liệu được tạo dáng thành một con rồng lớn có đường kính 50cm, chiều dài gần 10m.

Vào chiều 30 Tết, con rồng – Đình Liệu được di chuyển ra giữa sân đình. Rồng phải đặt đúng thế đầu vươn cao, thân hạ thấp. Đến gần thời khắc giao thừa, một đoàn người gồm 4 thanh niên khỏe mạnh rước kiệu, 6 người cầm đuốc, 4 người cầm cờ và các cụ cao niên vào núi xin lửa. Người dân quan niệm, nếu để lửa bị tắt thì sẽ không gặp may mắn. Do đó, lửa xin trong núi về đình phải giữ không được tắt.

Khi lửa được rước về hậu cung, các cụ cao niên làm lễ kính cáo với Thành hoàng làng, xin phép cho bà con đốt Đình Liệu đón năm mới. Lúc này, ngoài sân đình người dân trong làng đã tập trung đông vui, mỗi người cầm theo bó đuốc để xin lửa. Từ thanh niên đến cụ già đều có mặt tại đây để chuẩn bị cho lễ rước lửa. Bầu không khí tại sân đình trở nên náo nhiệt, khuôn mặt ai cũng rạng ngời, háo hức chờ đón năm mới.

dot_dinh_lieu5.jpg
Phần lễ tại lễ đốt Đình Liệu được tổ chức trang nghiêm, đảm bảo các nghi thức tế lễ truyền thống .

Sau khi làm lễ kính cáo trời đất, thần linh sông núi, kính cáo Thành hoàng làng, ông Tự Đình sẽ lấy lửa từ trong hậu cung ra, châm đuốc cho 5 vị được cử tham gia đốt Đình Liệu. Đúng vào thời khắc giao thừa, “con rồng” khổng lồ bỗng chốc hóa thân thành ngọn đuốc rừng rực cháy sáng hòa cùng tiếng trống, tiếng hò reo phấn khởi, hân hoan của dân làng tạo thành khoảnh khắc thiêng liêng đón chào năm mới.

dot_dinh_lieu6.jpg
Đúng vào thời khắc giao thừa đón chào năm mới, “con rồng” – Đình Liệu khổng lồ bỗng chốc hóa thân thành ngọn đuốc rừng rực cháy sáng. Dân làng châm những bó đuốc của mình vào lấy lửa, rước điều may mắn đem về.

Lễ đốt Đình Liệu ở đình kết thúc cũng là lúc mọi người được châm những bó đuốc của mình vào lấy lửa, rước điều may mắn đem về. Tới nhà, họ long trọng thắp hương từ ngọn lửa ấy để cáo tế với thổ công, gia tiên và sau đó nhóm bếp làm đồ cúng đầu năm, giữ lửa trong suốt những ngày Tết với ước vọng một năm mới may mắn, bình an, khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Kể từ lúc giao thừa đến lễ hạ nêu (mùng 7 Tết), những người trông coi đình và mỗi gia đình phải giữ ngọn lửa thiêng cẩn thận, không bị tắt. Họ tin rằng lửa có màu đỏ, đồng nghĩa với sự may mắn và sáng sủa; giữ được ngọn lửa luôn cháy sáng thì người theo nghiệp khoa cử sẽ thông minh đỗ đạt, nhà nông làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, dân khang vật thịnh.

Sau lễ đốt Đình Liệu, trong những ngày Tết, dân làng Động Bồng tụ họp dưới mái đình, tổ chức hát ru, hát đúm, hát đối đáp và các trò chơi dân gian: chơi đu, chọi gà, bơi thuyền… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự.

Ông Vũ Văn Được, Chủ tịch UBND xã Hà Tiến chia sẻ, có thời gian tục đốt Đình Liệu bị mai một, song với mong muốn gìn giữ văn hóa truyền thống, người dân địa phương đã khôi phục lại nhằm tỏ lòng thành kính và nhớ ơn cha ông đã mang ngọn lửa sưởi ấm lòng người, xua tan bóng đêm. Đặc biệt, kể từ khi đình Động Bồng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2001, từ đó đến nay, tục đốt Đình Liệu được duy trì, gìn giữ và phát huy, trở thành lễ hội truyền thống không thể thiếu trong thời khắc giao thừa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo tục đốt Đình Liệu vo đêm giao thừa ở xứ Thanh