Chính trị

Đồng thuận việc giao Tổng liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội

Bình Nguyên 29/08/2023 - 16:54

Chiều 29/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nội dung liên quan đến quy định về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhận được sự quan tâm của các đại biểu.

Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), liên quan đến xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (KCN), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của KCN như quy định của Dự thảo Luật do Chính phủ trình.

290820230844-2.jpg

Một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong KCN vì không bảo đảm thống nhất với Điều 19 và Điều 77 của Luật Đầu tư. Việc xây dựng nhà lưu trú công nhân cần hạn chế đưa vào KCN để bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong KCN.

Góp ý nội dung này, ĐB Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH Vĩnh Phúc nhất trí bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của KCN để làm nhà lưu trú cho công nhân. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tránh phát sinh các thủ tục không cần thiết, ĐB Mạnh đề nghị, không quy định mô hình này phải có trong chương trình kế hoạch phát triển nhà ở địa phương; đồng thời không xác định đây là một loại hình nhà ở xã hội, mà chỉ là hình thức nhà lưu trú công nhân.

ĐB Phạm Văn Hòa thống nhất với ý kiến của UBTVQH, theo đó, tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của KCN như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình vì cho rằng việc xây dựng nhà lưu trú công nhân là phù hợp với chủ trương của Đảng về “Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN”; đồng thời, giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân KCN.

290820230347-le-thuy.jpg
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận.

Tham gia ý kiến về quy định liên quan đến “nhà lưu trú công nhân” trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị làm rõ, nhà lưu trú công nhân có được xem là nhà ở hay không, và nếu không, thì cần xem xét lại vì có thể nội dung này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở.

ĐB cho biết, nhà lưu trú công nhân chỉ bố trí cho công nhân làm việc tại KCN thuê, có nghĩa là khi còn làm việc thì còn được thuê. Trường hợp hai vợ chồng cùng làm việc trong KCN thì sẽ có con cái kèm theo, nhưng con cái không làm việc trong KCN, thì có được ở nhà lưu trú công nhân hay không? Vì không khẳng định là nhà ở, nên nhà lưu trú công nhân không phục vụ sinh hoạt cho hộ gia đình. Nếu không cho con cái ở cùng thì có đạt được mục tiêu xã hội của chính sách hay không?

ĐB cũng đề nghị làm rõ thêm lý do tại sao chỉ giới hạn cho công nhân trong KCN mà không cho công nhân ở khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, đồng thời công nhân ngoài KCN không được thuê nhà lưu trú công nhân, chỉ được thuê, mua nhà ở xã hội, nhưng công nhân trong KCN lại có cả hai lựa chọn này. ĐB đề nghị làm rõ các nội dung này để đảm bảo các quy định trong dự thảo luật hướng tới hiện thực hóa mục tiêu xây dựng luật.

Đại biểu Trần Văn Khải đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đã nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Liên quan tới quy định giao Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn cho thuê, ĐB Trần Văn Khải chia sẻ với băn khoăn của các đại biểu về vấn đề này. ĐB cho rằng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần có báo cáo để phân tích, làm rõ nội dung này. ĐB Trần Văn Khải cho rằng, bức xúc nhất của công nhân lao động là vấn đề nhà ở, nhiều công nhân ở khu công nghiệp đang phải chịu cảnh 5 không: Không nhà ở, không nhà trẻ, không công trình giáo dục, y tế, không có điều kiện để sinh hoạt.

Việc triển khai nhà ở cho công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được triển khai từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo đề án của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tuy nhiên quá trình triển khai còn vướng nhiều vấn đề pháp lý.

Do đó, ĐB đề nghị giao cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê.

290820230320-tran-van-khai.jpg
ĐB Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu thảo luận.

ĐB Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng cho hay: Về quy định Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, đại biểu nhận thấy cả hai loại ý kiến đều có lý lẽ thuyết phục. Trong thực tế, đây là vấn đề mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã được chủ trương thực hiện thí điểm trong thời gian qua. Đại biểu đồng tình với việc tổng kết thí điểm và đưa vào dự thảo Luật.

Về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản và Điều 3 các hành vi bị nghiêm cấm nội dung cấm phân biệt đối xử với giới trong các hoạt động liên quan đến nhà ở; bổ sung một khoản vào Điều 6 quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở với nội dung: bảo đảm quyền có nơi ở, chỗ ở tạm cho phụ nữ trẻ em trong trường hợp ly hôn, bị bạo lực gia đình, bị buôn bán trở về.

Đại biểu cho biết, người Việt Nam từng có câu “an cư lạc nghiệp” để nói lên ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nhà ở hay chỗ ở đối với mỗi người dân. Điều này cũng được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định cụ thể về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở của công dân, đặc biệt chưa có những quy định cụ thể về vai trò trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo mọi công dân đều có quyền chỗ ở hợp pháp.

Do vậy, đại biểu đề nghị tại Điều 4 về chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà ở và tại Điều 5 yêu cầu chung về phát triển quản lý sử dụng nhà ở bổ sung vai trò trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo công dân được thực hiện quyền này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng thuận việc giao Tổng liên đon Lao động l chủ đầu tư nh ở xã hội