Chi hai triệu tỷ đồng đầu tư cng, nếu quản lý khng chặt chẽ thì sau 5 năm, tình trạng dn trải c thể cn lớn hơn cả hiện nay... Đ l lo lắng của khng ít đại biểu tại Phiên họp thứ tư, UBTVQH diễn ra ngy 17/10 vừa qua.
Tại phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016, phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Hai triệu tỷ đầu tư công trung hạn
Cho ý kiến vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là một trong nhiều nội dung mà các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận. Theo kế hoạch do Chính phủ trình, tổng mức vốn đầu tư nguồn NSNN là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm cả 260 nghìn tỷ đồng vốn TPCP, trong đó ngân sách Trung ương là 1,12 triệu tỷ đồng, đáp ứng khoảng 50% so với nhu cầu đầu tư.
Thẩm tra kế hoạch này, Uỷ ban TCNS của Quốc hội nhận xét, Chính phủ mới chỉ nêu khái quát chung dự kiến vốn đầu tư nguồn ngân sách là 2 triệu tỷ đồng và sơ lược tỷ trọng huy động đối với một số nguồn vốn khác. Một số ý kiến trong Ủy ban thì cho rằng, tổng mức vốn đầu tư dự kiến trên là khá cao so với thực lực NSNN hiện nay, tiềm ẩn những rủi ro nhất định, đặc biệt đối với an toàn nợ công và mục tiêu giảm bội chi NSNN đến 2020 dưới 4% GDP. Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến mục tiêu, định hướng đầu tư song chưa rõ trọng tâm, trọng điểm, những nội dung cấp thiết cần phải đầu tư.
Theo quy định của Luật Đầu tư công, Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII (tháng 3/2016). Nhưng, do chất lượng hồ sơ trình của Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu của Luật Đầu tư công, trong đó chưa có danh mục các dự án được phân bổ để trình Quốc hội nên mới lùi đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh rằng kế hoạch chỉ mang tính định hướng vì không ai có thể dám chắc chắn về tính khả thi nếu chia cứng hai triệu tỷ đồng cho từng danh mục dự án, bởi sự bấp bênh của các dự báo là có thật. Chẳng hạn, dự báo GDP cho cả nhiệm kỳ trước đều không đúng. Kế hoạch năm 2016 là 6,7% nhưng đã qua gần 10 tháng rồi Chính phủ đánh giá đạt 6,3% đến 6,5%. Vì thế, để dự báo số thu cho cả 5 năm tới trên cơ sở tăng trưởng, chưa nói đến yếu tố giá dầu rồi nhiều yếu tố rủi ro khác, thì không dễ dàng gì, Bộ trưởng phân tích.
Vì vậy, với con số đầu tư công 2 triệu tỷ đồng, trong kế hoạch 5 năm cần rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên và các trọng tâm, trọng điểm và yêu cầu chặt chẽ nếu không sau 5 năm tình trạng dàn trải có thể còn lớn hơn cả hiện nay. Kế hoạch 5 năm chỉ là định hướng, chứ không thể quy định cứng được, ông Dũng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển băn khoăn, nếu tung 2 triệu tỷ ra đầu tư mà không có đảm bảo về nguồn lực tài chính thì đáng ngại là tạo ra cơn lốc nữa về nợ, và không có khả năng thanh toán. “Quốc hội phải dựa vào đề xuất của Chính phủ, mà Chính phủ lại chưa chắc chắn thì Quốc hội làm sao quyết cho chắc chắn được?”, ông Hiển lo ngại.
Các đại biểu cũng cho rằng, để thực hiện kế hoạch, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các sai phạm trong đầu tư công. Có các biện pháp khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-20 như nợ đọng XDCB, nợ vốn ứng trước, điều chỉnh tăng mức tổng đầu tư của dự án. Đặc biệt trong bối cảnh nợ công tăng nhanh, tiệm cận với ngưỡng cho phép, có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia và tình hình giải ngân vốn vay còn nổi lên nhiều bất cập, hạn chế, cần thắt chặt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay.
Cần cân đối thu, chi ngân sách
Về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ NSTƯ năm 2017, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS đánh giá, tổng thu NSNN vượt dự toán nhưng thực chất chỉ ngân sách địa phương tăng thu, còn NSTƯ hụt thu khoảng 8.000 đến 12.000 tỷ đồng. Đây là số hụt lớn của NSTƯ, gây khó khăn trong điều hành thực hiện các nhiệm vụ chi của NSTƯ. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa thấy Chính phủ trình Quốc hội các phương án xử lý hụt thu NSTƯ. Bên cạnh đó, thu từ dầu thô dự báo hụt khoảng .000 tỷ đồng, thu cân đối xuất, nhập khẩu cũng không đạt dự toán. Ủy ban TCNS cho rằng, công tác lập dự toán chưa thật sát thực tế, chưa lường hết những biến động của giá dầu thô và tác động giảm thu do thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết...
Về chi NSNN, Ủy ban TCNS cho rằng, Chính phủ ước thực hiện chi NSNN cả năm bằng 101,9% dự toán, như vậy là đã rất nỗ lực quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA chậm nhất so với cùng kỳ những năm gần đây. Việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với từng hoạt động sự nghiệp rất chậm (chỉ có 2/13 Nghị định quy định chi tiết về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập); sửa đổi các cơ chế, chính sách theo chuẩn nghèo mới còn chậm. Nhiều chính sách, chế độ chi NSNN còn nợ, chưa hỗ trợ nguồn để các địa phương thanh toán như: Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho người có công, chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, BHYT cho các đối tượng...
Về cân đối và bội chi NSNN, Chính phủ báo cáo số ước bội chi NSNN năm 2016 là 254.000 tỷ đồng, bằng số mà Quốc hội quyết định. Với mức bội chi này, dư nợ công là 64,98% GDP, đã sát ngưỡng 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP. Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo đầy đủ tình hình nợ công để có những giải pháp điều hành, cân đối NSNN chủ động và kịp thời. Trường hợp NSNN hụt thu, đề nghị giảm nhiệm vụ chi tương ứng để giảm bội chi, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.
Để xây dựng dự toán NSNN năm 2017 bảo đảm sát thực tế, cân đối bền vững, chủ động, Ủy ban TCNS cho rằng, mục tiêu tăng GDP trên 6,7% là khá cao, có thể dẫn đến rủi ro khi dự báo về chỉ tiêu thu, chi NSNN. Vì vậy, có thể nghiên cứu đề xuất với Quốc hội 2 phương án: mức tăng trưởng 6,5% và 6,7%; trường hợp không đạt 6,7% thì Chính phủ cần đổi mới phương pháp điều hành, theo đó sẽ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh sau 6 tháng thực hiện để đảm bảo các cân đối vĩ mô chắc chắn hơn.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ cho biết, chỉ tiêu GDP năm nay được Quốc hội thông qua là 6,7%, tuy nhiên mức thực hiện thực tế sẽ thấp hơn, GDP chỉ có thể đạt 6,3-6,5%. Để đạt được mức tăng này, tăng trưởng kinh tế Quý IV phải cao hơn nhiều các quý trước.