Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 197/2025/QH ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Nghị quyết 197/2025/QH được Quốc hội thông qua ngày 17/5/2025 mở ra một hướng đi mới cho công tác xây dựng pháp luật tại Việt Nam. Để cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết này, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành với nhiều điểm mới.
Dự thảo gồm 5 chương với điều và 09 Phụ lục kèm theo bao gồm danh mục nhiệm vụ, hoạt động và định mức khoán chi; tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật; bảo đảm nguồn nhân lực trong xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật.
Theo Bộ Tư pháp, dự thảo bổ sung quy định tổng mức chi cho việc xây dựng Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 400 triệu đồng, Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh là 30 triệu đồng, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã là 10 triệu đồng, Quyết định của UBND cấp xã là 8 triệu đồng.
Tổng mức chi quy định tại mục III Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết số 197/2025/QH, khoản 1 và khoản 2 Điều này là mức chi được áp dụng cho việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc thay thế.
Trường hợp sửa đổi, bổ sung thì áp dụng định mức chi như sau: Văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung từ 02 văn bản quy phạm pháp luật trở lên thì áp dụng mức chi bằng tổng mức chi cho xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới hoặc thay thế tương ứng. Văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 01 văn bản quy phạm pháp luật thì áp dụng mức chi bằng 60% tổng mức chi xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới hoặc thay thế tương ứng.
Dự thảo Nghị định cũng quy định về cơ chế tài chính tại các điều 4, 5, 7, 8 và 9.
Cơ chế tài chính áp dụng nguyên tắc định mức vượt trội quy định tại Nghị quyết số 197/2025/QH, quy định hiện hành về định mức chi cho cùng nội dung và yêu cầu bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi.
Theo đó, đối với xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế/gia nhập tổ chức quốc tế, bên cạnh bảo đảm yêu cầu chung là không được vượt quá tổng mức chi quy định tại Phụ lục II của Nghị quyết số 197/2025/QH và tại Điều 5 của dự thảo Nghị định, dự thảo Nghị định đề xuất cơ chế định mức chi riêng theo 02 nhóm văn bản quy phạm pháp luật.
Đó là trường hợp văn bản quy phạm pháp luật là Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư, Thông tư liên tịch; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; Quyết định của UBND các cấp, thực hiện theo cơ chế, giao người đứng đầu đơn vị dự toán cấp I chủ động quyết định danh mục nhiệm vụ, hoạt động và định mức chi trong phạm vi tổng mức chi quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết số 197/2025/QH hoặc tổng mức ghi nhận tại Điều 5 của dự thảo Nghị định này nhưng không được thấp hơn tỷ lệ phân bổ định mức cùng nội dung chi tương ứng quy định tại Phụ lục I kèm theo dự thảo Nghị định.
Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác quy định tại Phụ lục I kèm theo dự thảo Nghị định thì định mức chi được xác định theo 2 nguyên tắc là chi cho từng giai đoạn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gắn với cơ quan chủ trì thực hiện và xác định cụ thể danh mục nội dung hoặc hoạt động trong thực hiện một nhiệm vụ.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề xuất đối tượng được áp dụng thù lao là cán bộ, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang, nghiên cứu viên thuộc quyền quản lý của đơn vị trực thuộc.
Còn đối tượng được áp dụng thuê khoán là chuyên gia, tổ chức tư vấn trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ, hoạt động.
Mức thuê khoán không được vượt quá định mức quy định tại Phụ lục X kèm theo dự thảo Nghị định; tiêu chí xác định chuyên gia, tổ chức tư vấn thực hiện theo quy định của người đứng đầu đơn vị dự toán cấp I.
Đáng chú ý, dự thảo quy định chi tiết một số điều về Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình tương tự đơn vị sự nghiệp công lập, không vì mục đích lợi nhuận và do Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng.
Vốn điều lệ của Quỹ được bảo đảm từ ngân sách nhà nước; được cấp vốn điều lệ lần đầu 300 tỷ đồng và bổ sung theo nhu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của Quỹ trong các năm tiếp theo, bảo đảm đến năm 2030 vốn điều lệ được ngân sách nhà nước hỗ trợ Quỹ là 1.000 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của Quỹ có thể được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tăng cao hơn trong trường hợp cần đáp ứng theo yêu cầu phát triển, trên cơ sở có sự thống nhất giữa Bộ Tư pháp với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan khác liên quan.