Với lợi thế địa hình độc đáo, nằm giữa sông lại giáp biển, vừa có vùng nước ngọt, vùng nước lợ và cả vùng nước mặn, với hệ sinh thái đa dạng và sở hữu nhiều di sản văn hóa, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng nền kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển kết hợp phát triển du lịch.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch đã xác định định hướng phát triển huyện Cù Lao Dung phát triển du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, huyện đã thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, giảm dần diện tích cây trồng có giá thấp và thay bằng các giống cây trồng mang lại giá trị cao. Đến nay, giá trị thu nhập bình quân trên một héc ta diện tích sản xuất nông nghiệp đạt 175 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 62,39 triệu đồng (tăng hơn 3,46 lần so với năm 2010).
Do thường xuyên được phù sa bồi đắp nên đất đai màu mỡ, nhiều khoáng chất, diện tích đất Cù Lao Dung tăng dần và lấn dần ra Biển Đông. Bên cạnh đó, công trình ngăn mặn đê Tả - Hữu giúp đảm bảo nguồn nước ngọt dồi dào, tạo cho Cù Lao Dung tiềm năng phát triển nền nông nghiệp có chất lượng cao.
Ngoài ra, điểm mạnh của huyện là nguồn lợi thủy sản phong phú của 3 hệ sinh thái ngọt, lợ, mặn, thích hợp cho nghiên cứu, lai tạo các giống loại thủy sản để kêu gọi các viện nghiên cứu tổ chức trại thực nghiệm, làm dịch vụ giống cung cấp ra các tỉnh lân cận như: Nghêu, sò huyết và một số loài thủy sản đặc sản ven biển và hạ lưu sông Hậu… Từ đó, hình thành vùng du lịch gắn với rừng ngập mặn ven biển, đẩy mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ven biển, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các ngành kinh tế - gắn với biển như: hàng hải, thương mại đường biển, các dịch vụ gắn với biển, du lịch biển, kinh tế thủy - hải sản.
Nhờ có diện tích mặt nước rộng lớn, môi trường sinh thái sạch rất phù hợp cho nuôi trồng nhiều loại thủy - hải sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, không khí trong lành kết hợp với các điểm di tích lịch sử văn hóa tạo tiền đề cho nhiều loại hình du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái.
Hiện nay, Cù Lao Dung đã hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, nên bộ mặt nông thôn tiến bộ rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao. Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 60, Quốc lộ Nam sông Hậu là huyết mạch kết nối giữa Cù Lao Dung với các khu công nghiệp của tỉnh như: Trần Đề, Đại Ngãi, Cái Côn và khu công nghiệp Hưng Phú của TP. Cần Thơ, cùng với hệ thống giao thông sông, biển rất thuận lợi với hai cửa sông lớn ra biển Đông là Định An và Trần Đề, đáp ứng nhu cầu vận chuyển với những phương tiện vận tải lớn, giúp giảm bớt chi phí và đảm bảo an toàn.
Chia sẻ với truyền thông, TS. Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, để phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái gắn với du lịch xanh, trong thời gian tới, huyện Cù Lao Dung cần phát huy những sản phẩm sẵn có ở địa phương và phát huy thêm những sản phẩm chưa được khai thác, phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù.
“Huyện ủy, UBND huyện rà soát quy hoạch và kêu gọi nhà đầu tư về du lịch xanh tại địa phương nhằm phát huy lợi thế và tiềm năng của huyện để mục tiêu phát triển Cù Lao Dung về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp thật sự hiệu quả”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với sự đầu tư và quy hoạch của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển huyện Cù Lao Dung trở thành trung tâm du lịch không chỉ của tỉnh Sóc Trăng nói riêng mà còn của cả vùng ĐBSCL nói chung trong tương lai không xa.
Cù Lao Dung, như tên gọi của nó, là một huyện cù lao nằm ở cuối nguồn sông Hậu. Chính mảnh đất này đã tạo nên ba nhánh cửa sông Hậu trước kia đổ ra biển là: Định An, Bassac, Trần Đề. Hiện nay, cửa Bassac ở giữa đã bị mất do phù sa bồi đắp và dòng chảy đã bị điều chỉnh sang cửa Trần Đề.
Nhắc đến Cù Lao Dung, người ta luôn nghĩ đến vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, đến dãy đất cù lao xanh thẳm mượt mà, với những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả bốn mùa, những rẫy mía bạt ngàn, những vuông tôm thẳng tắp, những rặng rừng bần xanh ngan ngát... Tất cả những hình ảnh đó đã phác họa nên một bức tranh tổng thể tuyệt vời về vùng đất thanh bình, yên ả, nên thơ; đồng thời cũng rất giàu tiềm năng, tài nguyên về du lịch với nét văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn, mang nét đặc trưng về văn hóa đặc sắc của vùng đất Phương Nam. Đây chính là những yếu tố quan trọng giúp cho Cù Lao Dung có đủ điều kiện để phát triển du lịch một cách bền vững.
Về địa lý, Cù Lao Dung có vị trí thuận lợi để giao thương với các vùng lân cận và các tỉnh trong khu vực. Cù Lao Dung chỉ cách TP. Cần Thơ khoảng 47km theo tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, cách tỉnh Trà Vinh một con sông, mất khoảng 10 đến phút đi phà; cách trung tâm TP. Sóc Trăng khoảng 20km theo đường quốc lộ 60; phía Nam Cù Lao Dung giáp với biển Đông và là nơi tiếp giáp với hai vùng kinh tế biển quan trọng: Khu kinh tế biển Định An của Trà Vinh và Khu kinh tế biển Trần Đề của Sóc Trăng, nơi có dự án Tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, một dự án rất hấp dẫn và có tính khả thi cao, vì từ Trần Đề đi Côn Đảo chỉ bằng một phần hai đoạn đường và chỉ mất một nửa thời gian so với Vũng Tàu đi Côn Đảo.