Giáo dục

Đưa di sản văn hóa vào trường học

PV 14/05/2025 - 10:57

Ngày 14/5, tại Trường Phổ thông DTNT tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tổ chức Chương trình giáo dục di sản văn hóa năm 2025, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, ý nghĩa, nhằm góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và nâng cao hiệu quả giáo dục lịch sử, văn hóa trong học đường.

img_20250514_092716(1).jpg
Thái Nguyên tổ chức chương trình giáo dục di sản văn hóa nhằm góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và nâng cao hiệu quả giáo dục lịch sử, văn hóa trong học đường.

Sự kiện năm nay diễn ra trong không khí thiêng liêng hướng về Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương trình là không gian trưng bày ảnh tư liệu chuyên đề “Bác Hồ với Thái Nguyên” và Hội thi “Ai nhớ nhiều nhất” – nơi 100 thí sinh tiêu biểu đại diện cho hơn 500 học sinh của nhà trường đã cùng nhau tranh tài trong một sân chơi trí tuệ hấp dẫn, bổ ích, đầy cảm xúc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Trần Thị Nhiện – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: “Chương trình là hoạt động cụ thể, thiết thực trong chuỗi các hoạt động giáo dục truyền thống, hướng tới mục tiêu bồi đắp tình yêu lịch sử, lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại. Chúng tôi mong muốn tạo ra một sân chơi trí tuệ, bổ ích, nơi các em học sinh có thể học mà chơi, chơi mà học; từ đó tiếp nhận kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và sâu sắc”.

img_20250514_073010(1).jpg
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tham quan không gian trưng bày tư liệu.

Không gian trưng bày đã giới thiệu hơn 70 hình ảnh tư liệu quý giá về thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ ở, làm việc tại ATK Thái Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp; về 7 lần Bác Hồ về thăm Thái Nguyên và những thành tựu nổi bật của địa phương trong học tập và làm theo Bác. Những hình ảnh này không chỉ mang tính lịch sử mà còn là minh chứng sống động cho sự gắn bó sâu sắc giữa Bác Hồ với vùng đất chiến khu cách mạng.

Hội thi “Ai nhớ nhiều nhất” là nơi các em học sinh đã thể hiện bản lĩnh, sự hiểu biết về các mốc sự kiện, kiến thức lịch sử và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

img_20250514_092333(1).jpg
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên Trần Thị Nhiện phát biểu khai mạc Chương trình.

Bà Trần Thị Nhiện cho hay, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các nhà trường trong thời gian tới để tổ chức nhiều hoạt động giáo dục lịch sử – văn hóa với cách làm mới, sáng tạo hơn nữa. Giáo dục di sản không nên là một hoạt động riêng biệt, mà cần trở thành một phần tự nhiên trong quá trình hình thành nhân cách và đạo đức học sinh.

Không chỉ dừng lại ở một sự kiện tuyên truyền, chương trình giáo dục di sản văn hóa năm 2025 tại Thái Nguyên đã thực sự tạo nên sức lan tỏa tích cực. Từ hoạt động này, bài học rút ra là: khi đưa di sản văn hóa vào trường học bằng hình thức trực quan, tương tác, gắn với địa phương và kết hợp giữa học thuật – trải nghiệm – thi đua, học sinh sẽ dễ tiếp cận, ghi nhớ và quan trọng hơn là hình thành tình cảm gắn bó với cội nguồn dân tộc.

img_20250514_092351(1).jpg
Giáo dục di sản văn hóa không chỉ giúp cho các em học sinh hiểu biết thêm về lịch sử mà còn dạy các em về tình yêu quê hương đất nước.

Giáo dục di sản văn hóa không chỉ giúp học sinh hiểu biết về lịch sử mà còn dạy các em cách yêu quê hương, trân trọng những giá trị truyền thống. Trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ số phát triển mạnh mẽ, giáo dục di sản càng cần được tiếp cận bằng những hình thức mới mẻ, hiện đại và hấp dẫn hơn để giữ chân thế hệ trẻ. Điều quan trọng là mỗi nhà trường, mỗi thầy cô cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc “kể chuyện lịch sử” bằng trái tim và sự sáng tạo, để mỗi giờ học, mỗi hoạt động trở thành cầu nối đưa quá khứ đến gần hơn với hiện tại.

Việc đưa giáo dục di sản văn hóa vào trường học không chỉ là yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, mà còn là đòi hỏi từ thực tiễn của một xã hội hiện đại nhưng giàu bản sắc. Di sản không nằm trong tủ kính, cũng không ngủ yên trong sách vở – di sản cần được sống, được kể, được hiểu và được gìn giữ qua từng thế hệ. Và trường học chính là nơi thích hợp nhất để bắt đầu hành trình ấy – hành trình giữ gìn hồn cốt dân tộc trong từng ánh mắt học trò hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa di sản văn ha vo trường học