Nhiều người mong mỏi doanh thu nộp thuế VAT sớm được nâng cao hơn, không chỉ là 200 triệu đồng/năm như đề xuất trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) mà cao hơn thế.
Ngưỡng chịu thuế GTGT thấp so với thực tế
Liên quan đến việc chỉnh lý dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), mới đây, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội đã đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 100 triệu đồng hiện nay lên 200 - 300 triệu đồng/năm. Theo đó, những hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm sẽ không phải đóng thuế GTGT.
Thông tin này được nhiều chuyên gia và các hộ kinh doanh hưởng ứng tích cực, bởi ngưỡng chịu thuế hiện tại là 100 triệu đồng/năm quy định trong Luật Thuế GTGT số 71/2014/QH13 có hiệu lực từ năm 2014 cho đến nay đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Trước đây, cơ quan soạn thảo từng đề xuất nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế, từ mức 100 triệu đồng/năm lên 0 triệu đồng/năm song nhiều ý kiến cho rằng doanh thu chịu thuế 0 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp. Sau khi tiếp thu, xem xét các ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý và quy định tại khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi: "Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống".
Thông tin nâng mức được miến thuế được nhiều chuyên gia và các hộ kinh doanh hưởng ứng tích cực.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, cho rằng cả nước có khoảng 5 triệu hộ và cá nhân kinh doanh. Số thu từ khu vực này khá khiêm tốn. Việc xác định mức doanh thu chịu thuế cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để phù hợp hơn với tình hình thực tế và có tính ổn định của luật. Ngưỡng doanh thu tính thuế không nên quá "căn ke" với người nộp thuế, nhất là hộ và cá nhân kinh doanh.
"Trong tổng số khoảng 5 triệu hộ và cá nhân kinh doanh của cả nước, tỉ lệ hộ và cá nhân kinh doanh là người buôn bán nhỏ lẻ, kinh doanh chỉ đủ ăn chiếm khá lớn. Do vậy, chính sách thuế nên khuyến khích người dân mở rộng sản xuất kinh doanh, nỗ lực lao động chứ đừng để họ cho rằng nộp thuế là gánh nặng", bà Cúc đề nghị.
Chị Nguyễn Thị Lan, chủ một cửa hàng tạp hóa ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, cửa hàng của gia đình chị chỉ là tạp hóa quy mô nhỏ, chủ yếu là những người trong gia đình thay nhau bán hàng để có “đồng ra đồng vào, lấy công làm lãi”.
“Hiện tại, doanh thu của cửa hàng tạp hóa này chưa đến 200 triệu đồng/năm nhưng lại nhỉnh hơn mức 100 triệu/năm nên tôi vẫn phải đóng thuế khoảng 400.000 đồng mỗi tháng. Nếu đề xuất không đánh thuế GTGT với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm được thông qua, cửa hàng của tôi sẽ được miễn thuế và bớt được một khoản chi phí đáng kể”, chị Lan kỳ vọng.
Không để người kinh doanh chịu thiệt
Trong khi đó, nhiều người cho rằng ngưỡng chịu thuế cho mức doanh thu từ 200 triệu/năm vẫn quá thấp so với tình hình giá cả hàng hóa, thị trường hiện nay.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật) cho rằng, với mức tăng lên 200 triệu đồng/năm như đề xuất, dù tăng gấp đôi so với hiện hành nhưng tính ra mỗi tháng là khoảng hơn 16 triệu đồng. Với gia đình 3-4 người, 16 triệu đồng này rất khó khăn. Do vậy, tôi đề nghị cần nâng mức này lên và có thể bổ sung điều khoản cho phép Chính phủ có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức này trong những năm tới.
Cụ thể, có thể trong luật sửa đổi là 200 triệu đồng nhưng có thể xem xét cho phép Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức không áp dụng thuế VAT đối với những trường hợp sản xuất kinh doanh trên dưới 300 triệu đồng hoặc 400 triệu đồng trong những năm tới.
Vì GDP tăng, doanh thu của hộ gia đình và đời sống tăng lên. Việc chúng ta nâng lên là phù hợp và không áp dụng thuế với những hộ có doanh thu thấp thì người dân sẽ rất đồng tình.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, (Tây Hồ, Hà Nội) nêu ví dụ, một bát phở/bún có giá bán khoảng 25.000-30.000 đồng tại thời điểm cách đây 10 năm, nhưng nay giá bán tối thiểu đã nâng lên khoảng 35.000-50.000 đồng. Một suất cơm bình dân cũng tương tự, từ 20.000 – 25.000 đồng thời điểm 10 năm trước, nay đã tăng lên 35.000 – 40.000 đồng/suất.
“Vì vậy, tôi cho rằng nên nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế lên 300-350 triệu đồng/năm sẽ phù hợp hơn. Nếu để ở mức 200 triệu đồng/năm thì doanh thu chỉ vào khoảng hơn 16 triệu đồng/tháng. Trừ đi chi phí đầu vào, hàng hóa, lợi nhuận còn lại chẳng bao nhiêu, không đủ chi trả cho sinh hoạt, cuộc sống”.
Nhiều người cho rằng, việc quy định mức doanh thu cần phải đảm bảo không lỗi thời, lạc hậu ngay khi luật sửa đổi được ban hành. Mặt khác, chính sách thuế không phải chỉ là để thu thuế mà còn phải động viên, khuyến khích hộ kinh doanh mở rộng kinh doanh, gia tăng doanh thu và thành lập doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động minh bạch.