Vấn đề quan tâm

Đừng ham lãi suất cao mà "sập bẫy"!

Trang Nhi 18/11/20 06:10

Hình thức đầu tư góp vốn, hợp đồng vay cam kết lãi suất cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro mất trắng đối với nhà đầu tư.

Lãi suất cao - mồi nhử ngon "bẫy" người ham lợi

Công an TP Đà Nẵng vừa công bố kết quả điều tra ban đầu về Công ty TNHH một thành viên Tư vấn đầu tư GFDI, đặt trụ sở tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ. Theo thông tin từ cơ quan công an, đến đầu tháng 11/20, GFDI đã mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng, với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.

bay-lai-suat-cao.jpg
Người dân tập trung theo dõi Công an TP Đà Nẵng khám xét trụ sở chính của công ty GFDI tại Đà Nẵng.

Sự việc này không chỉ gây chấn động trong giới đầu tư mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về mô hình huy động vốn lãi suất cao đang nở rộ trong thời gian gần đây.

Đã có nhiều vụ lừa đảo với chiêu trò huy động lãi suất cao bị phanh phui. Gần nhất là sự việc tại Công ty CP Tập đoàn Tâm Lộc Phát kêu gọi đầu tư với mức lãi suất gần 3%/tháng. Một trường hợp khác là Vũ Thị Thúy, CEO Công ty Bất động sản Nhật Nam, với chiêu trò huy động vốn trả lãi suất lên tới 34-64%/năm; Công ty CP Tập đoàn Bankland hứa hẹn hưởng lãi suất kỳ hạn từ 6-72 tháng với mức 43,2%/năm.

Hay như hàng loạt trường hợp huy động vốn với dấu hiệu lừa đảo mà cơ quan công an đã và đang tiến hành xác minh làm rõ, như việc huy động vốn cho dự án trồng Sâm Ngọc Linh của Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh; trường hợp huy động hàng nghìn tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu Việt Nam...

Thượng tá Trương Minh Vũ, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết, thủ đoạn của các đối tượng là hứa, hoặc giai đoạn đầu là trả lãi suất rất cao. Nhiều bị hại ngoài dùng tiền của mình còn đi huy động vốn của các bạn bè nhằm kiếm một phần chênh lệch, từ đó tạo ra một hiệu ứng, một chuỗi cho vay lãi nặng.

Thủ đoạn của các đối tượng trong vụ án này không mới, song vẫn có nhiều người sập bẫy. Tất cả các vụ mà Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Quảng Bình đang thụ lý thì những người cho vay gần như chưa thu hồi lại được vốn. Chúng tôi muốn cảnh báo việc cho vay lãi nặng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự. Những người cho vay ở các cấp độ sẽ đứng trước hai nguy cơ mất tiền và bị xử lý hình sự.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, cố vấn mảng quản lý gia sản của FIDT (chuyên đầu tư và quản lý tài sản), cho biết huy động tiền gửi dân cư chỉ có các tổ chức tín dụng được phép thực hiện.

Trong khi đó, ngoài kênh trái phiếu, cổ phiếu và tín dụng, DN thường huy động vốn bằng các phương thức khác như: hợp tác đầu tư, vay nợ từ cá nhân, tổ chức...

Việc một doanh nghiệp huy động vốn với hứa hẹn trả lãi cao gấp nhiều lần lãi suất tiền gửi ngân hàng là cách làm xưa cũ nhưng vẫn lừa được quá nhiều nạn nhân, bởi có nhiều người vẫn ham lãi suất cao nên mờ mắt và bị "sập bẫy".

Cẩn trọng kẻo "sập bẫy"

Lãi suất cao ngất ngưởng xưa nay đều là mồi nhử có thể tiêu diệt hầu hết mọi con mồi. Quá nhiều vụ, chỉ với miếng mồi lãi suất hấp dẫn, trong một thời ngắn tội phạm đã vơ vét và chiếm đoạt được hàng nghìn tỉ của nạn nhân.

Ở góc nhìn cẩn trọng, luật sư Nguyễn Công Tín (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho biết, khi cho vay lãi suất cao, nhiều khách hàng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: mất tiền nhưng không dám tố cáo vì lo sợ bị truy cứu về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Theo ông Tín, Điều 201 Bộ luật Hình sự 20 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội này được cấu thành bởi hai yếu tố đặc trưng: cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên, tức gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất theo Bộ luật Dân sự hiện hành là 20%/năm; thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc kết án về tội này mà chưa được xóa án tích.

Theo luật sư Nguyễn Đức Biên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La, hoạt động đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu của mỗi cá nhân, và việc góp vốn vào bất kỳ ngành nghề hoặc lĩnh vực nào không bị pháp luật nghiêm cấm là quyền lựa chọn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, để tránh rơi vào những "cạm bẫy" đã được giăng sẵn, ông khuyến cáo nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng và cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định góp vốn vào bất kỳ doanh nghiệp hoặc tổ chức nào.

Theo vị luật sư này, nhà đầu tư đặc biệt cần lưu ý ba vấn đề quan trọng. Thứ nhất, trước khi tham gia góp vốn, cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, cũng như các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh... Nhà đầu tư nên nhờ chuyên gia kiểm tra pháp lý và đánh giá những rủi ro để đưa ra quyết định đúng đắn.

Thứ hai, cần kiểm chứng thông tin mà công ty quảng cáo và đặc biệt cảnh giác trước mọi lời cam kết trả lợi nhuận "siêu cao" hoặc trả thưởng "khủng" so với thị trường. Thứ ba, cần có các biện pháp theo dõi, giám sát và kiểm chứng mục đích sử dụng của nguồn tiền đã góp vốn. Điều này giúp bảo đảm rằng số tiền đầu tư được sử dụng đúng mục đích và giảm bớt rủi ro mất mát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng ham lãi suất cao m "sập bẫy"!