Sau vụ tai nạn nghiêm trọng, bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch, đa chấn thương, sốc mất máu do vết thương phức tạp vùng cổ làm mất đoạn tĩnh mạch cảnh trong.
Bệnh nhân Đ.X.B. (57 tuổi, ở Ninh Bình) bị tai nạn giao thông và được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (Quảng Ninh). Khi tiếp nhận, do vết thương lớn vùng cổ bên phải của bệnh nhân chảy máu nhiều, kíp cấp cứu đã sơ cứu cầm máu tạm thời và lập tức chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Nhận định đây là cấp cứu tối khẩn, do bệnh nhân bị sốc mất máu, vết thương vùng cổ mất tổ chức lớn và vẫn đang chảy máu, kèm nhiều vết thương vùng đầu, mặt, cổ... bệnh viện đã kích hoạt "báo động đỏ" và chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ.
BSCK2 Phạm Việt Hùng - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, người trực tiếp xử trí tổn thương cho biết, quan sát thấy vùng cổ phải của bệnh nhân có vết thương dài cm sát bờ dưới hàm đang phun nhiều máu, phẫu thuật viên đã tiến hành ép tạm thời và mở rộng vết mổ theo đường đi của mạch cảnh, phát hiện vết thương mất một đoạn tĩnh mạch cảnh trong xuyên sâu đến cột sống cổ, tổn thương động mạch đốt sống.
Sau 3 giờ phẫu thuật căng thẳng với 2,5 lít máu được truyền bổ sung, các bác sĩ đã kẹp tạm thời tĩnh mạch cảnh trong, chèn cơ và khâu cầm máu động mạch đốt sống. Tiếp theo, kíp phẫu thuật bóc tách xẻ dọc tĩnh mạch hiển ở chân trái quấn lại thành hình ống, sau đó khâu ghép nối lại tĩnh mạch cảnh trong.
Ca mổ đã diễn ra thành công, các điểm chảy máu đã được cầm, mạch ghép lưu thông tốt. Bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tiếp tục điều trị.
Theo BS Hùng, vết thương mạch máu vùng cổ thường gây tử vong cao tới 30-40%, do mất máu cấp và thường có tổn thương đường thở kèm theo. Sơ cứu cầm máu ban đầu đối với những trường hợp này là vô cùng quan trọng, giúp nạn nhân giữ được tính mạng. Khi thấy người gặp nạn có vết thương chảy máu vùng cổ cần băng ép chặt vùng tổn thương và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Các trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn lao động với vết thương mạch máu vùng cổ phức tạp gây áp lực nặng nề về thời gian. Chính vì vậy, việc đánh giá, chẩn đoán tổn thương nhanh chóng, chính xác cùng sự phối hợp khẩn trương, chặt chẽ giữa các chuyên khoa cấp cứu, gây mê hồi sức, hồi sức tích cực và phẫu thuật mạch máu sẽ giúp những trường hợp như bệnh nhân B. vượt qua cơn nguy kịch, có được cơ hội sống trở lại.