Bất động sản

Giá bất động sản Việt Nam tăng 400 lần so với năm 1990

Trang Nhi 16/04/20 - 08:22

Đó là thông tin do TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia chia sẻ tại Hội nghị công bố "Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý I/20".

TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay, từ năm 1990 đến nay, giá vàng tại Việt Nam đã tăng 30 lần và thế giới cũng tăng đúng 30 lần. Trong khi đó, cùng khoảng thời gian này, giá bất động sản tại Mỹ theo khảo sát của chuyên gia tăng 100 lần, còn tại Việt Nam tăng khoảng 100 – 400 lần.

gia-bds-tang.jpg
Giá bất động sản Việt Nam đã tăng 400 lần so với năm 1990

“Việt Nam là một trong những thị trường bất động sản có tốc độ tăng trưởng nóng nhất là ngày càng nóng. Một miếng đất 10 m2 từ năm 1990 đến giờ vẫn chỉ là 10 m2 thôi nhưng giá trị đã khác nhau. Tôi nhớ tôi mua một căn nhà liền kề rộng 100 m2 vào năm 1990 với giá 56 triệu đồng/m2 (tương đương khoảng 5,6 tỷ đồng), nhưng bây giờ căn nhà đó được trả với giá 20 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá bất động sản quá khủng khiếp”, ông Nghĩa nói.

Chuyên gia lấy ví dụ thêm, hai dự án mới ở gần Khu đô thị Ciputra Hà Nội đã có giá bán lên tới 280 triệu đồng/m2, Khu Ngoại giao đoàn cũng lên tới 100 – 120 triệu đồng/m2…

Trong khi đó, theo khảo sát của vị này, có hàng nghìn dự án bất động sản đang đắp chiếu, khoảng 60% trong số này là chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, còn lại là khó khăn về thủ tục pháp lý.

Do đó, theo chuyên gia, tài chính cho thị trường bất động sản là một vấn đề rất quan trọng. Những năm gần đây, thị trường có một nguồn vốn mới là trái phiếu doanh nghiệp, nhiều tập đoàn lớn đã huy động vốn qua kênh này nhưng do nhiều nguyên nhân mà hiện nay họ đang gặp khó khăn về thanh khoản. Từ đầu năm đến nay, nhóm bất động sản phát hành được vài nghìn tỷ, theo ông Nghĩa, điều này cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, ở thời điểm hiện tại không thể tin tưởng rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể vực dậy thị trường bất động sản bởi khối lượng phát hành từ đầu năm đến nay chỉ khoảng vài nghìn tỷ. Theo tính toán của chuyên gia, thị trường địa ốc mỗi năm cần ít nhất 70.000 – 90.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu. Như vậy, vẫn phải trông cậy vào tín dụng ngân hàng, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì một mình tín dụng không “gánh” nổi, nhất là vấn đề liên quan đến lãi suất.

Ngoài ra là các vấn đề liên quan đến pháp lý dự án, dù Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt và gặp gỡ các doanh nghiệp để trao đổi nhưng theo chuyên gia, cách này chưa thực sự hiệu quả. Thay vào đó, cách xử lý tốt nhất là nhằm vào các dự án đang có vướng mắc về thủ tục và tài chính mà có thể gỡ được nhanh. Tức là cần đến thực tế dự án để cùng chính quyền địa phương gỡ vướng.

“Tôi cho rằng Chính phủ đứng ra phát hành trái phiếu là tốt nhất. Khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp không chỉ có ở Việt Nam, ở một số nước Chính phủ còn thành lập quỹ cứu trợ trái phiếu, tức là doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà không có khả năng thanh toán. Nghĩa là Chính phủ sẽ mua lại, khi doanh nghiệp phục hồi, Chính phủ bán trái phiếu ra và có lời.

Tại Việt Nam, hiện năng lực phát hành trái phiếu của Chính phủ rất tốt, các nhà đầu tư quốc tế mua rất nhiều. Do đó, đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ để có nguồn vốn hỗ trợ nhà ở xã hội là một phương án rất hay và nên làm”, chuyên gia nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá bất động sản Việt Nam tăng 400 lần so với năm 1990