Sáng nay, giá vàng nhẫn, vàng SJC tăng vọt thêm gần 3 triệu đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng nhẫn, vàng SJC tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng tăng vọt với mức tăng trung bình 2,8 triệu đồng/lượng.
Theo đó, giá vàng miếng tại PNJ, công ty SJC, DOJI đồng loạt điều chỉnh lên mức 103,4 - 106,4 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh. Tại PNJ, giá kim loại quý này đang giao dịch ở mức 101,9 -105,1 triệu đồng/lượng. Công ty SJC và DOJI đồng loạt điều chỉnh giá vàng nhẫn lần lượt lên mức 102,4 - 105,6 triệu đồng/lượng và 101,2 - 104,1 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn 9999 tại Công ty SJC cũng tăng giá mạnh như vàng miếng khi giá mua vào 102,4 triệu đồng, bán ra 105,5 triệu đồng, cùng tăng 2,6 triệu đồng mỗi lượng ở cả hai chiều. Chênh lệch giữa giá mua và bán ở mức 3,1 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng nhẫn tròn tại Phú Quý đang là 102-105,8 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt là 2 triệu đồng và 2,6 triệu đồng/lượng. Đây cũng là mức giá cao chưa từng có trong lịch sử giá vàng nhẫn.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay ở ngưỡng 3.205 USD/ounce, tăng tới 30 USD so với phiên giao dịch trước.
Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), những lo ngại ngày càng gia tăng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao hơn đã thực sự khiến các nhà đầu tư không còn đứng ngoài cuộc, mà chuyển mạnh dòng tiền vào vàng.
Dù thị trường vàng đã ghi nhận dòng tiền ổn định vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) dựa trên vàng kể từ đầu năm, dữ liệu dòng tiền tháng 3 từ WGC cho thấy sự gia tăng trên diện rộng tại tất cả các khu vực chính.
Cụ thể, các quỹ ETF niêm yết tại Bắc Mỹ chiếm 61% tổng dòng tiền vào, trong khi thị trường châu Âu chiếm khoảng 22% và thị trường châu Á đóng góp 16% vào tổng dòng vốn toàn cầu.
Tổng cộng 92 tấn vàng trị giá 8,6 tỷ USD đã đổ vào các quỹ ETF toàn cầu trong tháng trước. Riêng quý I, dòng vốn vào các ETF đạt 226 tấn vàng, trị giá 21 tỷ USD. Đây là mức cao thứ hai theo giá trị USD trong lịch sử, chỉ đứng sau quý II năm 2020.
Xét theo khu vực, các quỹ ETF tại Bắc Mỹ đã gia tăng lượng nắm giữ thêm 67,4 tấn vàng trong tháng 3. Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu vẫn được thúc đẩy bởi các yếu tố quen thuộc như đà tăng giá vững chắc, bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị.
Dù có rủi ro rằng đà tăng của vàng có thể không bền vững, WGC khẳng định thị trường hiện đang được hỗ trợ bởi động lực mạnh mẽ.
“Mức độ và tốc độ tăng giá hiện tại của vàng đã gợi nhớ đến các đỉnh cao trước đó. Tuy nhiên, phân tích của chúng tôi cho thấy điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay khác biệt đáng kể so với các thời kỳ mà vàng từng lập đỉnh”, báo cáo viết.