Nhu cầu vàng tăng lên trong bối cảnh các kênh đầu tư khác trong nước giảm hấp dẫn với số đông, lãi suất gửi ngân hàng thấp kỷ lục.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn 73,78 - 75,38 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 600.000 đồng/lượng so với sáng qua. Như vậy, chỉ sau 2 ngày, giá vàng nhẫn giảm gần 1 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn 73,8 - 75,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Trong khi đó, hệ thống vàng Mi Hồng niêm yết giá nhẫn tròn thấp hơn các thương hiệu khác hơn 2 triệu đồng/lượng quanh mức 71,8 - 73,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Còn giá vàng miếng SJC được các thương hiệu niêm yết quanh mốc 84 triệu đồng/lượng.
Thực tế, vàng là kênh tích lũy dành cho số đông từ già đến trẻ. Nhu cầu vàng tăng lên trong bối cảnh các kênh đầu tư khác trong nước giảm hấp dẫn với số đông, lãi suất gửi ngân hàng thấp kỷ lục. Đặc biệt, kỳ vọng vào giá thế giới lên cao càng khiến nhiều người có nhu cầu nắm giữ tài sản này.
Trong bối cảnh nhu cầu tích lũy đầu tư vàng tăng, nhiều người dân lựa chọn bỏ tiền vào nhẫn trơn thay vì vàng miếng SJC do vàng này có giá chênh quá cao so với thế giới.
Hiện, nhẫn trơn neo quanh 73-75 triệu đồng/lượng, tùy thương hiệu. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này ghi nhận hiệu suất sinh lời trên 20%, tốt hơn so với vàng miếng (13-%).
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết 2.325 USD/ounce, tăng 27 USD/ounce so với chiều qua. Giá vàng thế giới khoảng 70 triệu đồng/lượng chưa kể thuế, phí.
Như vậy, giá vàng miếng SJC hiện cao hơn vàng thế giới hơn 14 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng nhẫn hơn 4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đảo chiều sau phiên lao dốc hôm qua ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 5,25% đến 5,5%. Cả Chủ tịch Fed – ông Jerome Powell và các quan chức Fed của các bang tại Mỹ đều bày tỏ sự chưa muốn bắt đầu cắt hạ lãi suất cho đến khi họ tin tưởng chắc chắn hơn rằng lạm phát đang đi đúng hướng về mục tiêu 2%.
Chủ tịch thị trường thế giới Chris Gaffney của EverBank nói rằng, thời gian tới, có rất nhiều yếu tố có lợi cho vàng, trong đó có bất ổn về nền kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị cũng như sự không chắc chắn liên quan đến các cuộc bầu cử.
Giám đốc chiến lược Robert Minter của Abrdn cũng giữ quan điểm lạc quan về vàng trong tương lai. Minter cho rằng, chừng nào căng thẳng địa chính trị còn tiếp diễn và các chính sách kinh tế tiếp tục gây ra sự bất ổn, vàng sẽ tiếp tục đóng vai trò như nền tảng cho sự ổn định.
Giá vàng đã tăng 3% trong tháng 4 và chinh phục được mức cao kỷ lục 2.431 USD/ounce vào đầu tháng. Trong ngắn hạn, vàng được dự báo có rủi ro tiếp tục suy yếu do áp lực bán chốt lời và hoạt động bán khống gia tăng.