Với cộng đồng dân tộc Mông sống ở vùng núi cao xứ Thanh, nhiều hủ tục với những lời nguyền đáng sợ được truyền từ đời này tới đời khác đã kìm kẹp tư tưởng, ghì xuống đói nghèo, lạc hậu. Qua lời thầy mo, những quả báo khi đi lệch ra khỏi con đường cũ càng ghê gớm hơn. Chính vì vậy mà cuộc cách mạng đưa người chết vào quan tài, không treo trong nhà nhiều ngày cần phải có người tiên phong, từ bên trong.
Hủ tục ghì chặt người dân vào đói nghèo, lạc hậu
Theo thống kê, dân tộc Mông ở Thanh Hoá hiện có khoảng nghìn người, sinh sống ở 46 bản làng, 6 xã, 3 huyện miền núi cao là Quan Hoá, Quan Sơn và Mường Lát. Người Mông chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa trên nương rẫy, các loại cây trồng chủ yếu ngoài cây lúa còn có một số loại cây như sắn, ngô, khoai, đậu tương, mì… nguồn thu nhập không ổn định nên đa phần vẫn đang là hộ nghèo, cận nghèo.
Theo thói quen, người Mông thường sống ở các khu vực núi cao nên đường sá đi lại rất khó khăn, việc tiếp cận với điện lưới, điện thoại còn hạn chế. Chính vì vậy mà việc đi học của trẻ em hay tiếp cận với khoa học hiện đại của người dân rất thấp. Đó là mảnh đất màu mỡ để các hủ tục, mê tín dị đoan phát triển, níu chặt người dân vào cái đói đã dai dẳng qua bao đời.
Nhắc về người tiên phong loại bỏ "hủ tục lạc hậu" nơi phên dậu Mường Lát, có lẽ không ai xa lạ với cái tên Lầu Minh Pó - nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát (hiện cư trú tại bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát). Ông được xem là người đặt nền móng, xóa bỏ hủ tục treo người chết trong nhà của đồng bào Mông, tạo thói quen sử dụng quan tài để an táng người quá cố.
Ông Pó đã chứng kiến đủ và thấu hiểu việc treo người chết trong nhà rất mất vệ sinh. Bởi ông là người con của bản Mông nên luôn bị ám ảnh bởi những đám tang ở địa phương. Có những đám tang để 7 ngày, thi thể người quá cố bốc mùi. Nhiều nhà không có tiền buộc phải đi vay, mượn để mua trâu, bò. Sau đám tang, họ lâm cảnh nợ nần, đi làm vài năm sau còn chưa trả hết nợ. Đám tang đã lãng phí, mất vệ sinh, còn con cháu ở bên ngoài thì ăn uống say sưa.
Dù khó khăn, ông Pó quyết tâm học hành, đi ra để tiếp cận với khoa học, ánh sáng văn minh rồi trở về góp phần thay đổi quê hương. Suốt thời gian làm lãnh đạo địa phương, việc xóa bỏ hủ tục trong đám tang của người Mông là một ấn tượng khó phai nhất với ông.
“Trước kia, mỗi khi có người chết, đồng bào Mông thường chuẩn bị rất nhiều thủ tục, trong đó có quan niệm chọn ngày an táng. Thông thường, thân nhân của người quá cố sẽ chọn ngày an táng không trùng với những đám tang trước của tổ tiên. Họ chọn ngày chẵn cho người nữ và ngày lẻ cho nam giới. Điều đáng nói, thi thể người chết không được bỏ vào quan tài, mà được buộc vào chiếc cáng rồi treo lên vách nhà 5-7 ngày mới đưa đi chôn”, ông Pó chia sẻ.
Giải lời nguyền treo người chết trong nhà
Với trách nhiệm của một Đảng viên, một người con quê hương, ông Pó luôn đau đáu về những hủ tục lạc hậu gây phiền hà, buộc người dân với đói nghèo, học sinh vì thế không có điều kiện phải nghỉ học giữa chừng. Ông bàn với các thành viên trong gia đình, hạ quyết tâm phải thay đổi để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bản thân là một giáo viên, ông Pó đã không ít lần lặn lội tới từng nhà học sinh động viên các em đi học nhưng bất thành do cuộc sống quá khó khăn. Năm 2005, ông Pó giữ chức Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Mường Lát. Lúc này, ông Pó bắt đầu công cuộc tuyên truyền, vận động đồng bào Mông xóa bỏ hủ tục tang ma. Nhưng việc tuyên truyền của ông chưa được người dân làm theo. Vì vậy, ông nghĩ bản thân là cán bộ thì phải làm gương cho bà con noi theo...
Cơ duyên tới vào tháng 3/2013, chú ruột ông Pó qua đời. Lúc bấy giờ, ông quyết định sẽ đi tiên phong, đưa chú mình vào quan tài để đưa đi an táng để làm gương cho mọi người. Tuy nhiên, quyết định này của ông Pó gặp nhiều phản đối của người thân trong dòng họ.
"Khi bố gọi điện thông báo chú tôi mất, tôi nói sẽ đưa vào quan tài thì bố con cãi nhau. Bố bảo không được nhưng tôi đã cãi lời ông. Sau đó, tôi gọi cho mấy cán bộ huyện, xã xuống đưa chú tôi vào quan tài", ông Pó nhớ lại.
Thi thể của chú ông Pó được đưa vào quan tài, nhiều người chỉ trích, nói ông Pó sẽ gặp những điều không may mắn. "Họ bảo anh Pó sẽ ‘nhanh đi’ thôi, sau 3 tháng, ‘các cụ’ sẽ về đưa anh Pó đi cùng, anh Pó làm như thế thì gia đình làm ăn không phát triển, ốm đau suốt đời... Nhưng tôi không sợ vì tôi nghĩ mình có như thế nào thì đã có Nhà nước, có Đảng lo cho rồi", ông Pó cười nói.
Sau 3 tháng kể từ ngày đưa thi thể người chú vào quan tài an táng, nhìn thấy ông Pó không có gì bất thường, vẫn khỏe mạnh, gia đình êm ấm. Lúc này, mọi người trong bản mới nhận ra việc làm của ông Pó là văn minh, sạch sẽ nên đã noi theo. Mỗi khi có người thân qua đời, họ đều đưa vào quan tài để an táng, thời gian làm tang ma cũng rút ngắn, làm đơn giản.
Ông Pó cho hay, để có được kết quả như ngày hôm nay cũng nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, xã. Đặc biệt là sự ra đời của đề án "Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa" vào năm 2013.
Đề án đã góp phần thay đổi tư tưởng của đồng bào Mông, người dân dần hiểu được việc thay đổi trong tang lễ không làm ảnh hưởng xấu đến dòng họ, gia đình mình. Từ đó nhận biết được quan niệm, các hủ tục trước kia là sự mê tín do nhận thức cổ hủ, lạc hậu.
Năm nay đã 63 tuổi, ông Pó là người có uy tín với bà con địa phương, tích cực tuyên truyền, vận động người dân sống với văn hóa mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Những dịp lễ, Tết, đặc biệt là đám tang, ông thường được người dân mời dự để chứng kiến sự đổi thay, xóa bỏ những hủ tục mà người dân đã làm được trong nhiều năm qua.
Khi tư tưởng được khai thông, đời sống của người dân nơi biên viễn cũng có sự đổi sắc. Năm 2023, người Mông ở Mường Lát được mùa sắn, được giá, có hộ thu được cả trăm triệu đồng. Đây là số tiền lớn mà từ trước tới nay họ chưa bao giờ nhìn thấy chứ đừng nói là sở hữu. Bữa cơm cũng vì thế mà có thịt, cá, đồ tươi. Đó là bước đệm để cuộc sống người dân ấm no, trẻ em được đến trường, góp phần đảm bảo an ninh vùng biên.