Ngày 3/7, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử với bị cáo Cao Minh Tâm (SN 1959, nguyên Giám đốc Công ty CIPC) về tội “Tham ô tài sản”. Tuy nhiên, phiên tòa đã phải tạm hoãn do vắng người tham gia tố tụng.
Cùng bị đưa ra xét xử với bị cáo Tâm là các bị cáo có liên quan đến vụ án gồm: Trần Tân Sơn (SN 1977, kỹ sư xây dựng), Trần Văn Thắng (SN 1979, kỹ sư xây dựng), Ngô Anh Tuấn (SN 1972, cán bộ kỹ thuật điện công trình), Nguyễn Quang Huy (SN 1991, thủ kho công trình), Cao Thanh Huyền (SN 1988, kế toán) cũng bị đưa ra xét xử với cùng tội danh.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty CP xây lắp và sản xuất công nghiệp (gọi tắt là CIPC) có 52,% vốn Nhà nước. Đại diện cổ phần vốn Nhà nước là Tổng công ty CP xây dựng công nghiệp Việt Nam. Năm 2016, ông Cao Minh Tâm được bổ nhiệm làm Giám đốc.
Ngày 9/3/2017, Công ty CIPC ký hợp đồng thi công các hạng mục công trình hầm từ cốt 0,00 trở xuống với Công ty CP Bất động sản Đông Anh tại Dự án tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở để bán tại 119 đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Thực hiện hợp đồng đã ký kết, Công ty CIPC ra Quyết định thành lập Ban chỉ huy công trường gồm: Trần Tân Sơn - Chỉ huy trưởng; Trần Văn Thắng- Chỉ huy phó; Cao Thanh Huyền - Kế toán công trường; Ngô Anh Tuấn- cán bộ kỹ thuật điện; Nguyễn Quang Duy - thủ kho và một số thành viên khác.
Theo quy định, Ban chỉ huy công trường có trách nhiệm trực tiếp quản lý tài sản, con người, phương tiện, máy móc, tiến hành thi công các hạng mục công trình, lập hồ sơ nghiệm thu để làm căn cứ thanh toán với chủ đầu tư.
Quá trình thực hiện, Ban chỉ huy công trường, Phòng kế hoạch dự án, lãnh đạo Công ty CIPC đã đề xuất duyệt mua nguyên vật liệu (thép) số lượng lớn so với hồ sơ thiết kế.
Theo quy định của công ty về xử lý số lượng vật tư dư thừa (chuyển công trình khác hoặc thanh lý), Công ty CIPC phải có quyết định bằng văn bản thành lập hội đồng thanh lý, hội đồng bán đấu giá. Nhưng để chiếm đoạt tiền của Công ty CIPC, từ năm 2017, các bị cáo đã rút tiền Nhà nước để ăn chia, chiếm đoạt và sử dụng cá nhân.
Cáo trạng cho rằng, dù công ty chưa có quyết định, chưa thành lập hội đồng thanh lý, hội đồng đấu giá, Ban chỉ huy công trường, mà trực tiếp là các ông Trần Tân Sơn, Ngô Anh Tuấn cùng với Nguyễn Quang Duy (thủ kho) đã bán thép vụn, thép cây với số lượng 210,76 tấn.
Bị cáo Tuấn đã chỉ đạo Duy bán 600 tấn ván khuôn tại công trường, lấy tiền sử dụng chi tiêu.
Để chiếm đoạt số tiền từ việc bán thép cây, Trần Tân Sơn trực tiếp chỉ đạo Ngô Anh Tuấn sửa 3 phiếu cân thép để làm giảm khối lượng thép so với thực tế là 22,345 tấn, nhằm lấy tiền sử dụng cá nhân.
Nguyễn Quang Duy biết việc sửa phiếu cân và đồng ý đem phiếu cân đã bị sửa nộp về công ty 594 triệu đồng, gây thất thoát cho Công ty CIPC hơn 222 triệu đồng so với khối lượng thực tế.
Cáo trạng xác định, tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của Công ty từ việc bán thép vụn, thép cây, ván khuôn là hơn 860 triệu đồng. Số tiền này được các bị cáo chia nhau.
Cũng theo cáo trạng, để hợp thức số tiền, bù vào quỹ công trường do đã sử dụng chi tiêu trước, các bị cáo Sơn, Thắng, Tâm, Huyền đã thống nhất lập hồ sơ mua bán nguyên liệu khống với 4 công ty để chiếm đoạt hơn 934 triệu đồng của Công ty CP xây lắp và sản xuất công nghiệp.
Như vậy, bị cáo Trần Tân Sơn đã có hành vi bán thép và lập khống hồ sơ thanh toán khối lượng vật tư, vật liệu để chiếm đoạt tổng số hơn 1,7 tỷ đồng.
Các bị cáo còn lại là Ngô Quang Tuấn, Nguyễn Quang Duy chiếm đoạt số tiền bán thép là hơn 860 triệu đồng; Trần Văn Thắng, Cao Minh Tâm và Cao Thanh Huyền chiếm đoạt hơn 934 triệu đồng.
Cáo trạng xác định, Trần Tân Sơn chiếm hưởng 384 triệu đồng; Ngô Anh Tuấn chiếm hưởng hơn 845 triệu đồng; Trần Văn Thắng chiếm hưởng 355 triệu đồng; Cao Minh Tâm chiếm hưởng 210 triệu đồng và Cao Thanh Huyền chiếm hưởng hơn 340 triệu đồng. Ngoài ra, khi bàn giao quỹ công trường, Trần Văn Thắng còn chiếm hưởng triệu đồng; Cao Thanh Huyền chiếm hưởng 20 triệu đồng.