Theo Đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, việc giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn về thừa- thiếu giáo viên tại các địa phương.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Giải quyết khó khăn về thừa thiếu giáo viên
Theo Đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, hiện trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đang ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì, nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức, tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo.
Đại biểu đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo. Đại biểu nhấn mạnh, "đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn về thừa thiếu giáo viên tại các địa phương".
Cùng quan điểm, Đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị quy định tiêu chuẩn đầu vào với nguồn đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên.
Theo đại biểu, tuyển dụng nhà giáo được quy định tại Điều 16, điểm a khoản 1 Điều này quy định tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Quy định như vậy được hiểu là bất kể người nào đủ chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là được tuyển dụng.
Đại biểu cho rằng, như vậy là chưa phù hợp, do vậy, dự thảo Luật cần phải quy định thêm là: “Phải căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng nhà giáo”.
Cân nhắc việc xếp lương lần đầu được tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương
Liên quan đến nội dung về tiền lương và phụ cấp tại điểm d khoản 1 Điều 27 quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu Tiến cho biết, tại Điều 18 quy định đối với người trúng tuyển, thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thính giảng thì chế độ tiền lương và phụ cấp được thực hiện như thế nào lại chưa được quy định cụ thể. Do vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định này.
Đặc biệt, để đáp ứng vai trò, vị trí của nhà giáo, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, bổ sung quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào đối với nguồn đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào đối với các giáo viên trong tương lai, tránh tình trạng như nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên có đầu vào giáo viên gần như thấp nhất theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực.
Về các chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này đang chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập. Đại biểu băn khoăn, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các nhà giáo có được hưởng các chính sách hỗ trợ này không? “Nếu không sẽ tạo ra sự mất cân bằng, vì vậy đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung này để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội”.
Cùng góp ý về nội dung này, Đại biểu Dương Khắc Mai– Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tán thành cao việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.
Đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.