Ngày 21/7, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ xuất viện cho bốn bệnh nhi đặc biệt, gồm ba ca ghép tủy đồng loại điều trị Thalassemia và một ca ghép tủy tự thân.
Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực ghép tế bào gốc: thực hiện thành công ca ghép tủy tự thân thứ 50 và ba ca ghép tủy đồng loại liên tiếp cho bệnh nhi mắc Thalassemia.
Từ tháng 11/2019 đến nay, Bệnh viện đã thực hiện 60 ca ghép tủy thành công ở trẻ em, bao gồm 50 ca ghép tủy tự thân cho các bệnh lý u đặc (như u nguyên bào thần kinh, lymphoma không Hodgkin, u nguyên bào võng mạc di căn) và 10 ca ghép tủy đồng loại điều trị tan máu bẩm sinh (Thalassemia).
Ghép tế bào gốc là kỹ thuật y học hiện đại, mang tính đột phá trong điều trị nhiều bệnh lý về máu và ung thư, giúp trẻ chấm dứt sự lệ thuộc vào truyền máu, đồng thời kéo dài sự sống cho các ca mắc u ác tính.
Một trong những dấu ấn nổi bật là việc Bệnh viện áp dụng thành công kỹ thuật ghép tủy bất đồng nhóm máu – lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam. Nhờ phương pháp dung hòa miễn dịch, các bác sĩ có thể giảm hiệu giá kháng thể trong cơ thể người nhận, giúp tiếp nhận tế bào gốc mà không cần gạn tách hồng cầu, tối ưu hóa hiệu quả điều trị.
Trong số 10 ca ghép đồng loại, hai trường hợp bất đồng nhóm máu đều phục hồi tốt, mở ra hướng đi mới trong điều trị các ca khó có người hiến phù hợp.
Toàn bộ 10 ca ghép tủy đồng loại cho bệnh nhi Thalassemia đều ghi nhận kết quả tích cực. Những đứa trẻ từng phải truyền máu thường xuyên nay đã phát triển bình thường, không còn lệ thuộc điều trị hỗ trợ.
Thành công này không chỉ mở ra cơ hội sống cho trẻ mắc Thalassemia, mà còn đặt nền móng để Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục mở rộng điều trị bằng ghép tủy cho các bệnh lý phức tạp như suy tủy xương, suy giảm miễn dịch bẩm sinh và ung thư tái phát.
Trong thời gian tới, Bệnh viện đặt mục tiêu phát triển kỹ thuật này theo hướng chuyên sâu, chuẩn hóa và mở rộng chỉ định, mang lại cơ hội sống mới cho hàng ngàn bệnh nhi trên cả nước.