UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đợt cao điểm, phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và triển khai hiệu quả nhiệm vụ y tế 6 tháng cuối năm.
Đây là một trong những chỉ đạo trọng tâm nhằm tạo nền tảng y tế vững chắc, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến các sự kiện chính trị – văn hóa quan trọng, đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh thời tiết chuyển mùa, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.
Theo kế hoạch, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố phải xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với đặc điểm địa giới hành chính mới sau sắp xếp. Các địa phương được yêu cầu rà soát, kiện toàn lại toàn bộ lực lượng phòng dịch tại chỗ như cộng tác viên y tế – dân số, đội xung kích diệt bọ gậy, đội công nhân phun hóa chất…, bảo đảm sẵn sàng ứng phó theo các cấp độ dịch.
Cùng với đó, các phường, xã phải thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người; chủ động xây dựng phương án vệ sinh môi trường, phòng dịch trước, trong và sau các sự kiện lớn. Hoạt động tổng vệ sinh môi trường, xử lý điểm nguy cơ, diệt lăng quăng, phun hóa chất… phải được duy trì hằng tuần tại 100% phường, xã; các cơ quan, đơn vị, công trường, trường học cũng phải đồng loạt triển khai để phòng ngừa dịch bệnh lan rộng.
Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu không để bị động, bất ngờ, kiểm soát dịch từ sớm, từ xa, không để dịch lớn xảy ra. Toàn bộ các cơ sở khám, chữa bệnh và hệ thống y tế dự phòng trên địa bàn phải thực hiện khai báo, báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm qua hệ thống trực tuyến; 100% cơ sở tiêm chủng triển khai phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Thành phố đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% ở từng phường, xã; giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi. Các loại vaccine khác trong chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng phải đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch.
Đồng thời, ngành y tế tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, giảm tối đa số ca tử vong, sẵn sàng ứng phó với các bệnh mới nổi hoặc tái nổi.
Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, thành phố yêu cầu 100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát, cấp cứu điều trị các loại dịch bệnh – từ tuyến thành phố đến cơ sở – đều phải được tập huấn, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực phản ứng. Các quận, huyện, thị xã phải duy trì chế độ giao ban định kỳ hoặc đột xuất với thành phố để kịp thời báo cáo diễn biến dịch bệnh, không để bỏ sót tình huống.
Sở Y tế, với vai trò là cơ quan thường trực, có trách nhiệm tham mưu thành phố đôn đốc, phối hợp các thành viên Ban chỉ đạo và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch, tổng hợp tình hình và báo cáo kịp thời theo quy định.
Kế hoạch cao điểm này đặt mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, duy trì thành quả chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo đảm thành công cho các sự kiện lớn cuối năm, góp phần tạo nền tảng ổn định cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô trong thời gian tới.