Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh bạch hầu, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch bệnh bạch hầu cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; lưu ý các biện pháp phòng, chống cũng như vệ sinh khử khuẩn tại các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ.
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 3174/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu; trong đó yêu cầu rà soát, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 20 đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại một số tỉnh như: Hà Giang, Nghệ An, Bắc Giang; trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh bạch hầu, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch bệnh bạch hầu cho các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Trong đó lưu ý các biện pháp phòng, chống cũng như vệ sinh khử khuẩn tại các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ…
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị giám sát chặt tình hình dịch bệnh tại các cơ sở y tế được phân công để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị rà soát toàn bộ đối tượng tiêm chủng nhằm tránh bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng.
“Tiêm bổ sung ngay đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng trong ngày tiêm chủng hằng tháng. Tiêm vét cho tất cả đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là đối với các loại vắc-xin có chứa thành phần bạch hầu”, Sở Y tế thành phố nhấn mạnh.
Cùng với đó, CDC Hà Nội đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu như: Đi tiêm chủng đầy đủ vắc-xin; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh…
Ngoài ra, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch bệnh bạch hầu cho các trạm y tế.
Các trạm y tế hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ… trên địa bàn xã, phường, thị trấn biết và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu, đặc biệt là công tác vệ sinh khử khuẩn.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập, Sở Y tế thành phố yêu cầu bảo đảm đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu bệnh bạch hầu; bảo đảm công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; đồng thời, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
CDC Hà Nội phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp nghi mắc, mắc bệnh để chủ động giám sát, xử lý dịch tại cộng đồng.