Để xảy ra các tồn tại trong quá trình chuẩn bị Dự án, công tác bồi thường, GPMB làm vượt tổng mức đầu tư tại Dự án đường tỉnh ĐT.553, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê bình, yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với Ban QLDA đầu tư XDCT giao thông tỉnh và UBND huyện Hương Khê.
Dự án Cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh ĐT.553 nhằm phục vụ nhu cầu dân sinh trong vùng phía Tây Nam huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh), phát triển kinh tế - xã hội, công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ, đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông dự án nói chung và hoàn thiện đường tỉnh ĐT.553 theo quy hoạch được duyệt.
Trước khi dự án này được triển khai thì tuyến đường tỉnh 553 đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Vào mùa mưa lũ, tuyến đường này thường xuyên bị ngập khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Do đó, sau khi có kế hoạch đầu tư, thi công, bà con Nhân dân trên địa bàn rất vui mừng, phấn khởi.
Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng sau hơn 1 năm triển khai, Dự án vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác bồi thường, GPMB, khiến tổng mức đầu tư dự án tăng thêm gần 50 tỷ đồng.
Ngày 1/3, trao đổi với PV, ông Sử Văn Hoài, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Đường tỉnh ĐT.553 được nâng cấp, cải tạo có tổng chiều dài tuyến là 8,8km, điểm đầu tại km 39+030 thuộc xã Lộc Yên, huyện Hương Khê; điểm cuối giao đường Hồ Chí Minh tại km Km 47 + 830/ĐT.553 thuộc xã Hương Trà, huyện Hương Khê.
Dự án do Ban QLDA đầu tư XDCT giao thông tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Công tác bồi thường, GPMT được tách thành tiểu dự án và giao UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư thực hiện.
Dự án do liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế và Xây dựng giao thông 4 và Công ty CP GAMA Miền Trung là đơn vị tổ chức tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tiến độ thi công là 18 tháng, từ tháng 8/2022 đến tháng 1/20 và hiện nay đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh điều chỉnh đến tháng 12/20.
Tổng mức đầu tư dự án là 266 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng gần 30 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 220 tỷ đồng... Nguồn vốn được trích từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 200 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư chủ yếu là do chi phí GPMB tăng trong quá trình thực hiện dự án (Khoảng 49,68 tỷ đồng).
Ông Sử Văn Hoài, Phó Giám đốc Ban cho biết: Việc tăng tổng mức đầu tư dự án chủ yếu do các yếu tố khách quan như biến động về định mức, đơn giá (vật liệu, nhiên liệu, nhân công, đơn giá đền bù GPMB…) của Nhà nước tại thời điểm hiện nay so với thời điểm lập dự án đầu tư; Ngoài ra có sự chênh lệch về khối lượng đất đai và phương án bồi thường đường điện… dẫn đến làm tăng chi phí GPMB.
“Do quá trình lập dự án (năm 2021), đơn vị tư vấn tính toán tổng diện tích đất bị ảnh hưởng theo phạm vi chiếm dụng trực tiếp của dự án, tuy nhiên khi thiết kế bản vẽ thi công có một số đoạn tuyến phải điều chỉnh cao độ đường đỏ, bổ sung thêm các vị trí vuốt nối nút giao, đường ngang dân sinh… một số thửa đất thời điểm lập dự án đang là đất vườn đến khi dự án triển khai là đất ở nên khối lượng các loại đất giữa hai thời điểm có chênh lệch… dẫn đến tăng diện tích đất bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đơn giá bồi thường đất các loại tăng do ảnh hưởng từ cơn sốt bất động sản; Đường điện dân sinh bị ảnh hưởng theo tính toán ban đầu là di dời, song quá trình thực hiện do cột và đường dây điện đã lâu xuống cấp, không thể tận dụng nên phải thay thế đầu tư mới…”, ông Sử Văn Hoài cho hay.
Cũng theo Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư XDCT giao thông tỉnh Hà Tĩnh, đến nay dự án đã thi công hoàn thành 4/4 cầu trên tuyến, 21/32 cống ngang đường, thi công lắp đặt rãnh thoát nước dọc, đào bóc phong hóa, đắp đất nền đường và thi công móng cấp phối đá dăm loại 2 với chiều dài 4,61 Km (phạm vi mặt bằng đã được bàn giao), giá trị thực hiện hợp đồng ước đạt 41%.
Liên quan đến những tồn tại tại dự án đường tỉnh 553, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê bình Ban QLDA đầu tư XDCT giao thông tỉnh (Chủ đầu tư), UBND huyện Hương Khê (Cơ quan thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB) trong việc khảo sát, lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức công tác bồi thường, GPMB thiếu chặt chẽ, kịp thời, làm vượt tổng mức đầu tư dự án. Yêu cầu các đơn vị nghiêm túc kiểm điểm.
Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Hương Khê đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh qua các văn bản liên quan; Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra các hệ lụy do chậm thực hiện công tác bồi thường, GPMB dự án.
Về việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh phê bình và yêu cầu kiểm điểm, Ban QLDA đầu tư XDCT giao thông tỉnh và UBND huyện Hương Khê đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm theo chỉ đạo.
Ban QLDA đầu tư XDCT giao thông tỉnh đã tổ chức họp, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, trách nhiệm trước hết thuộc các đơn vị tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư (Công ty CP Tư vấn thiết kế và Xây dựng giao thông 4 và Công ty CP GAMA Miền Trung): Đã khảo sát, tính toán diện tích đất bị ảnh hưởng chưa phù hợp thực tế; Chưa lường hết được những điều chỉnh về yếu tố kỹ thuật làm tăng diện tích đất bị ảnh hưởng.
Chịu trách nhiệm liên đới là các thành viên Tổ quản lý, điều hành dự án, Trưởng phòng Kế hoạch – Đầu tư, Trưởng phòng Quản lý dự án và quản lý bảo trì trong việc kiểm tra, soát xét kết quả điều tra, khảo sát, lập phương án đền bù, GPMB của đơn vị tư vấn; Chưa tham mưu để Ban tham khảo thêm ý kiến của huyện Hương Khê về phương án, khối lượng, đơn giá đền bù, GPMB trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách chịu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo Tổ quản lý, điều hành dự án, Trưởng phòng Kế hoạch – Đấu thầu, Trưởng phòng Quản lý dự án và quản lý bảo trì trong việc kiểm tra, soát xét kết quả điều tra, khảo sát, lập phương án đền bù, GPMB của đơn vị tư vấn.
UBND huyện Hương Khê chịu trách nhiệm trong việc chậm thực hiện công tác GPMB theo các mốc tiến độ đã được UBND tỉnh giao.
Thời gian tới, Ban QLDA đầu tư XDCT giao thông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp làm việc với các sở liên quan để hoàn tất các thủ tục để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và bố trí nguồn vốn cho Dự án để cơ bản hoàn thành trong năm 20 và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2025.