Chính quyền địa phương cho biết, số người thiệt mạng do lũ quét và dòng dung nham lạnh từ một ngọn núi lửa ở miền Tây Indonesia cuối tuần qua đã tăng lên 41 người và 17 người khác mất tích.
Mưa lớn nhiều giờ đã khiến những tảng đá từ một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất của Indonesia lăn xuống hai quận trên đảo Sumatra vào cuối tuần qua, đồng thời làm ngập đường sá, nhà cửa và nhà thờ Hồi giáo.
Ilham Wahab, quan chức Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Tây Sumatra cho biết, tính đến sáng 13/5, 41 người đã tử vong.
Ông cho biết lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm 17 người vẫn mất tích, 3 người ở quận Agam và 14 người ở Tanah Datar, cả hai khu vực bị lũ lụt tàn phá nặng nề nhất và là nơi sinh sống của hàng trăm nghìn người.
Đường sá ở các huyện biến thành sông, nhà thờ Hồi giáo và nhà cửa bị hư hại.
Mưa lớn làm ngập các khu dân cư với nước lũ bùn lầy và cuốn trôi các phương tiện giao thông xuống con sông gần đó, trong khi tro núi lửa và những tảng đá lớn đổ xuống núi Marapi. Dung nham lạnh, còn được gọi là lahar, là những vật liệu sinh của núi lửa như tro, cát và sỏi, đã theo mưa rơi xuống sườn núi lửa.
Nhà chức trách đã cử một đội cứu hộ và thuyền cao su tới tìm kiếm các nạn nhân mất tích và vận chuyển người dân đến nơi trú ẩn.
Chính quyền địa phương đã thành lập các trung tâm sơ tán và trạm khẩn cấp ở một số khu vực Agam và Tanah Datar.
Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia cho biết, 84 ngôi nhà, 16 cây cầu và hai nhà thờ Hồi giáo ở Tanah Datar cũng như 20ha ruộng lúa bị hư hại.
Indonesia thường xuyên xảy ra lở đất và lũ lụt trong mùa mưa. Vào năm 2022, khoảng .000 người đã phải sơ tán và hai trẻ em thiệt mạng trong lũ lụt trên đảo Sumatra. Các nhà hoạt động môi trường đổ lỗi cho nạn phá rừng do khai thác gỗ khiến thảm họa trở nên tồi tệ hơn.